Theo số liệu của Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, năm 2015, số lao động đã được đào tạo là 126.248 người, số lao động có việc làm sau đào tạo 124.586 người, chiếm 85,21%. Số lao động được doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng 5.697 người, lao động được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm 18.675 người, lao động tự tạo việc làm 102.964, số người thành lập tổ nhóm sản xuất, HTX, doanh nghiệp 7.172 người.

Theo Quyết định số 971/QĐ-TTg ngày 01/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2016 -2020, đào tạo nghề cho 6.000.000 lao động nông thôn, trong đó 1.400.000 người học nghề nông nghiệp, bình quân đào tạo 280.000 người/năm, mỗi tỉnh đào tạo nghề cho trên 4.400 người/năm.

Việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn hiện nay không chỉ giúp người nông dân có việc làm tăng thu nhập từ nông nghiệp mà có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lại nền kinh tế trong quá trình hội nhập.

Tuy nhiên, việc tổ chức triển khai đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn đang đứng trước những thách thức rất lớn:

Thứ nhất, Chính Phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đưa ra nhiều chính sách đổi mới, phát triển các hình thức liên kết sản xuất gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản như Quyết định 62/2013/QĐ-TTg của Chính Phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn, Quyết định 4930/QĐ-BNN-KTHT về tổ chức sản xuất nâng cao giá trị gia tăng, Quyết định 3418/QĐ-BNN-KTHT triển khai thi hành Luật Hợp Tác Xã… Trên thực tế sản xuất kiên kết đầu tư, chuyển giao công nghệ gắn với tiêu thụ nông sản không nhiều, chỉ khoảng 30%. Nông sản tiêu thụ qua hợp đồng liên kết chiếm tỷ lệ lớn nhưng chỉ là liên kết mua bán và mang tính hình thức.

Thứ hai, công tác giảm nghèo và an sinh xã hội nông thôn đa chiều. Các chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình giảm nghèo theo Nghị quyết 30 a, chương trình 135 thực hiện hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất để giảm nghèo theo cơ chế mới “hỗ trợ theo dự án”. Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo nhu cầu và có sự tham gia của người dân đã góp phần chuyển biến về cơ cấu kinh tế nông nghiệp nhưng đòi hỏi cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền và nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả. Bên cạnh đó các chương trình giảm nghèo phải thực hiện nhiều mục tiêu như: y tế, giáo dục, điều kiện sống, bảo hiểm xã hội và tiếp cận thông tin.

Thứ ba, khi tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nông nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận nguồn thị trường chung rộng lớn với gần 800 triệu người tiêu dùng và 40% GDP toàn cầu. Tuy nhiên, cùng với cơ hội đó, TPP cũng đặt ngành nông nghiệp Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức khi nhiều sản phẩm nông nghiệp phải cạnh tranh gay gắt về chất lượng và giá cả từ hàng hóa của các quốc gia thành viên. 

Trước những thách thức trên công tác đào tạo nghề cần phải đổi mới và có nhiều giải pháp đồng bộ. Tại Hội Nghị, TS Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc TTKN Quốc gia có báo cáo tham luận và đề xuất nhiều kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề trong điều kiện mới với sự tham gia có hiệu quả của hệ thống khuyến nông trong toàn quốc. Một số giải pháp mà TS Hạnh đưa ra như sau:

- Đề nghị Sở Lao Động thương binh và xã hội các tỉnh hoàn thiện thủ tục pháp lý cho Trung tâm Khuyến nông các tỉnh tham gia đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT (hiện nay mới có 32/63 TTKN tỉnh được cấp phép đào tạo nghề).

- Tăng cường năng lực cho hệ thống khuyến nông đủ điều kiện tham gia dạy nghề, tiến tới trở thành lực lượng nòng cốt trong công tác dạy nghệ nông nghiệp ở các các địa phương lâu dài. Chú trọng công tác đào tạo kỹ năng sư phạm dạy nghề cho đội ngũ cán bộ khuyến nông và cán bộ nông nghiệp tham gia dạy nghề tại địa phương.

- Đào tạo nghề gắn với các dự án liên kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp, dự án phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, đào tạo nghề cho nông dân sản xuất hoàng hóa quy mô lớn và sản xuất theo phương thức nâng cao giá trị nông sản. Đào tạo gắn với mô hình khuyến nông tiên tiến, hiệu quả. Nhà nước có chính sách hỗ trợ để nông dân và doanh nghiệp liên kết, hợp tác trong sản xuất để tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm.

- Chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện Tài liệu sơ cấp nghề, bổ sung thông tin về thị trường, quản lý kinh tế, hợp tác xã, chuỗi sản xuất và xây dựng thương hiệu sản phẩm từng vùng miền.

- Sửa đổi Thông tư liên tịch 112/2010/TTLT-BTC-BLĐTBXH của Bộ Tài chính - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc Hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” với các định mức chi đào tạo nghề phù hợp với thực tế. Ưu tiên nguồn ngân sách của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho đào tạo nghề.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn đối với lao động nông thôn về lựa chọn nghề học, thông tin thị trường hàng hóa, dịch vụ nông nghiệp…

Lê Huy Nghĩa 

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia