Nắng nóng có khả năng xảy ra trên diện rộng tại Bắc Bộ và Trung Bộ trong tháng 7- 8/2025, sau đó suy giảm dần trong tháng 9/2025. Tuy nhiên, cường độ nắng nóng dự báo nhẹ hơn năm 2024.
Với tình hình thời tiết như dự báo, đối với sản xuất nông nghiệp nói chung, dự báo từ tháng 7,8/2025, khô hạn nhẹ đến vừa có thể xuất hiện tại Trung Bộ (Nghệ An, Hà Tĩnh) và Nam Trung Bộ (Từ Bình Định đến Phú Yên). Sang tháng 9, vùng khô hạn và nắng nóng có xu hướng giảm nhẹ. Đối với cây lúa vùng ĐBSH và ĐBSCL, trong tháng 7-tháng 8, hầu hết khu vực ĐBSH và ĐBSCL đều dư thừa nước so với nhu cầu thực tế của cây lúa. Đặc biệt, một số địa phương như Văn Lý, Nho Quan, Ninh Bình (ĐBSH) và Sóc Trăng, Rạch Giá, Bạc Liêu (ĐBSCL) cần đề phòng nguy cơ ngập úng cục bộ. Đến tháng 9, lượng mưa tăng mạnh, nguy cơ ngập úng lan rộng, đặc biệt ngoài vùng Đồng Tháp Mười, hầu hết các khu vực còn lại đều có nguy cơ bị ảnh hưởng.
Thời tiết nóng ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều dịch hại phát sinh và gây hại trên diện rộng. Trong các tháng 7 và 8/2025, Trung Trung Bộ là những khu vực dễ bị ảnh hưởng bất lợi do nắng nóng và độ ẩm cao có thể gây xuất hiện nhiều loại sâu bệnh hại cho cây trồng. Đến tháng 9, các tỉnh vùng ĐBSH và ĐBSCL có thể bị ngập úng do mưa lớn kéo dài, tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp.
Đối với vật nuôi, trong các tháng 7, 8/2025, nắng nóng và nhiệt độ cao tiếp tục xuất hiện trên diện rộng cả nước. Mặc dù cường độ nắng nóng có xu hướng giảm nhẹ tại một số tỉnh thuộc Tây Bắc và Tây Nguyên, song điều kiện thời tiết vẫn gây bất lợi cho chăn nuôi. Đến tháng 9, cường độ nắng nóng trên cả nước có xu hướng giảm dần, nhiệt độ giảm làm giảm mức độ ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe vật nuôi. Dự báo chỉ số nhiệt - ẩm (THI) cho thấy gia súc và gia cầm trên toàn quốc sẽ bị ảnh hưởng bởi stress nhiệt, đặc biệt trong tháng 7-8 tại khu vực Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung Bộ. Ảnh hưởng chủ yếu bao gồm: giảm khả năng tiêu thụ thức ăn, tăng nhịp tim và rối loạn hô hấp, suy giảm sức đề kháng, ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trọng và năng suất chăn nuôi.
Dựa trên phân tích xu thế khí hậu và rủi ro khí hậu mùa vụ từ tháng 7 đến tháng 9/2025, các biện pháp kỹ thuật được khuyến nghị nhằm chủ động ứng phó và hạn chế thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp như sau:
1. Trung du và miền núi phía Bắc
Lúa và ngô có nguy cơ ngập úng cục bộ trong tháng 7–8. Cần:
Đảm bảo tiêu thoát nước tốt trong giai đoạn lúa đẻ nhánh và ngô phát triển thân lá
Giữ được mực nước vừa đủ cho giai đoạn lúa làm đòng và trỗ bông,
2. Đồng bằng sông Hồng
Lúa có nguy cơ ngập cục bộ trong tháng 7 và ngập diện rộng trong tháng 8.
Trong vụ mùa, cần đảm bảo hệ thống tiêu thoát nước đặc biệt tại vùng trũng thấp.
3. Bắc Trung Bộ
Một số nơi có thể gặp hạn nhẹ trong tháng 7.
Cần đảm bảo nguồn nước để đủ độ ẩm cho cây phát triển.
Với cây lạc, đảm bảo đủ nước cho cây con phát triển.
4. Duyên hải Nam Trung Bộ
Nguy cơ hạn cục bộ tại các tỉnh ven biển như Ninh Thuận, Bình Thuận.
Lúa cần duy trì mực nước hợp lý trong các giai đoạn sinh trưởng.
Thanh long cần tăng cường tưới bổ sung, chăm sóc sau thu hoạch bằng biện pháp tỉa cành và bón phân hữu cơ giúp phục hồi cây.
5. Tây Nguyên
Tỉnh Kon Tum có thể gặp hạn nhẹ đến vừa trong cả 3 tháng.
Lúa: Ưu tiên thu hoạch sớm, giữ ẩm trong giai đoạn đẻ nhánh.
Cà phê: Bổ sung nước cho giai đoạn phát triển quả; phòng ngừa các bệnh hại như thán thư, rệp sáp; bón phân cân đối.
6. Đông Nam Bộ
Với lúa, cần duy trì mực nước thích hợp (3–7 cm) để hạn chế sâu bệnh trong các giai đoạn làm đòng và trổ bông.
Với thanh long, cần chủ động thoát nước trong tháng 7-9 (khi có nguy cơ ngập cục bộ), đồng thời chăm sóc kỹ trong giai đoạn phát triển và thu hoạch quả để hạn chế bệnh thán thư và hại rệp.
7. Đồng bằng sông Cửu Long
Dự báo ngập úng cục bộ tháng 7-8 và nguy cơ ngập diện rộng trong tháng 9.
Cần chủ động giữ mực nước ruộng hợp lý trong từng giai đoạn sinh trưởng.
Tăng cường tiêu thoát nước ở giai đoạn trổ bông và chắc xanh để hạn chế thiệt hại do úng ngập.
BBT (th)