1. Chủ động phòng tránh thiệt hại

 

Việc chuẩn bị sớm, từ xa và từ cơ sở là yếu tố then chốt giúp giảm thiểu thiệt hại trong mùa mưa bão. Người chăn nuôi cần:

 

- Gia cố chuồng trại: Kiểm tra kỹ mái che, bạt chắn mưa, tường bao, hệ thống thoát nước. Đảm bảo nền chuồng cao ráo, có độ dốc thoát nước tốt.

 

- Tiêm phòng và theo dõi sức khỏe: Thực hiện tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch; theo dõi sát tình trạng sức khỏe vật nuôi.

 

- Xây dựng phương án ứng phó: Sẵn sàng kế hoạch di dời khi có nguy cơ ngập úng; chủ động kết nối cán bộ thú y, khuyến nông và tham gia các tổ nhóm liên kết.

 

2. Giữ chuồng trại khô ráo, thoáng khí

 

- Nền chuồng nên cao hơn mặt đất 30–50cm, có độ dốc thoát nước và rãnh xung quanh.

 

- Mái chuồng nên lợp bằng tôn lạnh, tôn cách nhiệt hoặc ngói, mái dốc 25–35 độ, có mái hiên 0,8–1,2m để tránh mưa hắt.

 

- Sử dụng chất độn chuồng hút ẩm tốt như trấu, mùn cưa, rơm khô; thay định kỳ 3–5 ngày/lần, kết hợp dùng men vi sinh để khử mùi và giảm ẩm.

 

- Lắp đặt quạt thông gió, hút ẩm; không che kín chuồng; tránh gió lùa trực tiếp vào vật nuôi.

 

3. Dự trữ thức ăn và nước uống

 

- Dự trữ thức ăn đủ dùng trong 7–10 ngày:

 

+ Trâu, bò, dê: rơm khô, cỏ khô, cỏ ủ chua, thân cây ngô hoặc phụ phẩm đã xử lý.

 

+ Lợn, gà: thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh hoặc phối trộn tại chỗ.

 

- Bảo quản thức ăn tại nơi khô ráo, thoáng mát, có mái che; không để tiếp xúc nền đất để tránh ẩm mốc.

 

- Tích trữ nước uống trong bể chứa hoặc thùng nhựa lớn có mái che. Nước mưa cần lọc và khử trùng bằng Chloramin B (1g/100 lít) hoặc thuốc tím pha màu hồng nhạt.

leftcenterrightdel
Bảo quản thức ăn tại nơi khô ráo, thoáng mát, có mái che 

 

4. Vệ sinh và khử trùng chuồng trại

 

- Hằng ngày: thu gom phân, làm sạch máng uống, kiểm tra nền chuồng.

 

- Hằng tuần: tổng vệ sinh chuồng trại, thay chất độn, phun thuốc khử trùng khu vực xung quanh (tránh phun trực tiếp lên thức ăn, nước uống, vật nuôi).

 

- Hằng tháng: khử trùng diện rộng, kiểm tra và sửa chữa chuồng trại.

 

- Vệ sinh chuồng trại sau mưa bão:

 

Mục tiêu: Loại bỏ hoàn toàn ẩm mốc, mầm bệnh, mùi hôi và chất thải tích tụ. Phục hồi môi trường nuôi nhanh chóng, giảm nguy cơ phát sinh dịch bệnh.

 

Các bước cụ thể:

 

Bước 1: Thu gom và xử lý chất thải: Gom toàn bộ phân, thức ăn ướt, chất độn chuồng→ chôn lấp, ủ phân hoặc xử lý sinh học; Rắc vôi bột vào khu vực nền, cống rãnh, điểm nước đọng.

 

Bước 2: Tổng vệ sinh chuồng trại: Cọ rửa toàn bộ nền, vách, máng ăn – uống, nền chuồng có thể dùng bàn chải + xà phòng hoặc nước vôi 2%.

 

Bước 3: Khử trùng: Phun thuốc sát trùng toàn bộ khu chuồng, sân, hành lang, khu vực xung quanh; có thể dùng Chloramin B 0,5–1%, hoặc dung dịch Javel 0,1–0,2%. Khử trùng liên tục 2–3 ngày sau mưa lớn.

 

Bước 4: Làm khô và thông thoáng: Mở cửa chuồng, bật quạt hoặc tăng cường thông gió tự nhiên. Tuyệt đối không để vật nuôi tiếp xúc với nền ẩm, gió lùa.

leftcenterrightdel
Vệ sinh và khử trùng chuồng trại cần được thực hiện thường xuyên

 

TS. Nguyễn Thị Hải

Trung tâm Khuyến nông quốc gia