Những ngày tù mù đuốc biển

Đi dọc các làng chài ven biển, ngồi trò chuyện với các lão ngư đã bước sang tuổi 90, bạn sẽ được nghe nhiều câu chuyện về đèn biển.

Cụ Bùi An sinh năm 1931, quê ở làng biển Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Sau khi nhắc đến chuyện đèn pha 1000 w trên tàu bây giờ, ông lại hoài niệm nghề đánh cá cơm đã có từ thời ông bà rồi cha của ông. Ông bảo, nghề lưới cá cơm thời đó với bây giờ có một điểm giống nhau là ngư dân phải sử dụng ánh sáng thì mới thu hút được luồng cá.

Ông An kể, cứ mỗi buổi chiều, các bà vợ gồng gánh gạo ra thuyền chèo và còn phải vác theo hàng chục bó đuốc sậy. Cây sậy được hái trên đèo Hải Vân và bó thành từng bó chặt, mỗi bó đuốc cao quá đầu người. Đuốc mang ra thuyền đã bắt đầu ngún khói. Khi ra biển, đuốc sẽ được đốt lên để tạo nguồn sáng thu hút cá. Những thanh niên vạm vỡ chèo thuyền khép mặt lưới để vây cá cơm. Tiếng hò dô kéo lưới, tiếng hô hét người dắt đuốc phải bơi vào giữa vòng lưới để cá cơm bơi theo, lọt vào giữa vòng vây.

Ông Huỳnh Lụa, một ngư dân ở xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi thì so sánh về thời đèn dầu với đèn 1000 w. Đèn măng xông có mặt rộng rãi tại thị trường Việt Nam từ sau năm 1967, ngư dân bắt đầu gánh đèn ra biển để thu hút cá cơm. Ông Lụa nhớ lại, mỗi chiếc thuyền nhỏ treo thêm 5 chiếc đèn măng xông. Ánh sáng thời đó không bằng đèn pha trên tàu cá hiện đại bây giờ nhưng thời đó nhiều cá nên quây lưới cá vào dày đặc.

Đến những nhà máy điện nổi

Thuyền trưởng Nguyễn Luân lái tàu từ cửa biển Sa Kỳ, tỉnh Quảng Ngãi tiến ra biển và quyết định đi dọc bờ ra tới cửa biển Kỳ Hà, tỉnh Quảng Nam. Thuyền trưởng Luân nói: “Đêm nay nhà báo sẽ chứng kiến ngoài biển như trong lòng thành phố”.

Đèn pha cá cơm trên biển 

 

Những lần đồng hành với ngư dân trên tàu cá xuôi ngược trên biển cả, mỗi khi bữa cơm sáng được dọn ra, đấy là lúc không gian trên tàu mới thực sự bình yên trở lại. Còn lại, khi màn đêm buông xuống, tàu lưới rút thường neo cố định tại một điểm, sau đó bật đèn để thu hút cá. Máy phát điện công suất lớn ì ầm như nhà máy điện nổi giữa đại dương.

Tàu cá QNa 91327 TS ở cửa biển Kỳ Hà, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam cũng là một trong những chiếc tàu có “nhà máy điện nổi” khá lớn. Do chiếc tàu dài trên 26 mét (các tàu gỗ hiện nay dài khoảng 19-21 mét), vì vậy để thắp sáng toàn bộ hệ thống đèn trên nóc tàu, con tàu này phải vận hành một động cơ hiệu Hino để kéo một bình dinamo phát điện. “Nếu ánh sáng yếu là thua, tàu cá khác họ phát sáng mạnh quá thì cá chạy hết sang đó” – các ngư dân giải nghĩa về tầm quan trọng của ánh sáng trên con tàu.

Anh Thủy, một thợ sửa máy điện tàu tại cửa biển Sa Kỳ, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, trước đây tàu biển thường chạy 1 bình phát điện dinamo loại nhỏ nhưng hiện nay tàu cá phải lắp loại dinamo 3 pha 380 v để kéo giàn đèn trên nóc tàu vài chục đến hàng trăm chiếc, công suất mỗi bóng đèn Metal lên đến 1000 w. Theo anh Thủy thì ngư dân không chạy đua thì không được vì ánh sáng tàu cá “hàng xóm” lớn hơn thì cá sẽ chạy về hướng đó.

Do sử dụng nguồn ánh sáng cực lớn, vì vậy những tàu cá có thân vỏ lớn, chủ tàu phải lắp 1 lúc 3 máy phát điện, bao gồm 1 máy chính để chạy đèn pha, 1 máy chạy hệ thống điện phụ ở các buồng tàu, trục bơm và 1 máy điện dự phòng. Máy phụ trở thành thần hộ mệnh, bởi vì tàu cá dù hoạt động bình thường nhưng máy phát điện chính bị sự cố thì chuyến biển thất bại.

Quả thật, trong khoảng 15 năm trở lại đây, ngư dân không ngừng vào cuộc đua lắp đèn cao áp Metal. Dù rằng báo chí thường phản ảnh về nguy cơ luồng sáng quá mức/1 tàu cá nhưng thực tế ánh sáng dường như bị hút cạn trên biển đêm và mức độ kinh khủng không như trên đất liền. Các ngư dân cho biết, bà con từng ngày phải tính toán việc nâng cấp ánh sáng cho tàu vì chỉ có cạnh tranh được với tàu đánh cá của ngư dân Trung Quốc thì ngư dân mới đánh bắt thành công, thường xuyên bám biển để góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo.

Hệ thống đèn pha từ 1 tàu đánh cá cơm

Lê Văn Chương - Báo Biên phòng