Theo khảo sát và đánh giá của cơ quan chuyên môn, các loài cây được liệu trên địa bàn Hà Giang khá phong phú và đa dạng, thuộc 1.101 loài thực vật, trong đó có khoảng 51 loài nằm trong danh sách đỏ có nguy cơ tuyệt chủng của Việt Nam. Bên cạnh đó Hà Giang là một tỉnh miền núi biên giới phía Bắc có 6/11 huyện, thành phố thuộc diện huyện nghèo được thụ hưởng các chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, với nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống, chủ yếu là các dân tộc Mông, La Chí, Pu Péo, Giấy, Nùng, Lô Lô… Vì vậy, để triển khai công tác xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số, tỉnh Hà Giang đã triển khai Dự án phát triển cây dược liệu tại 6 huyện 30a.

Dự án phát triển cây dược liệu của tỉnh Hà Giang đã được Chính phủ phê duyệt và đã được các bộ, ngành chức năng của Trung ương thẩm định với quy mô 12.581 ha, trong đó diện tích trồng mới là 5.180 ha. Theo báo cáo của ngành chức năng, tổng số vốn thực hiện Dự án phát triển cây dược liệu là 2.932 triệu đồng, trong đó vốn Nhà nước 1.409 triệu đồng (chiếm 48,05 %), vốn các doanh nghiệp là 708 triệu đồng (chiếm 24,14%), vốn của các tổ chức kinh tế là 576 triệu đồng (chiếm 19,64%) và vốn của các hộ nông dân là 237 triệu đồng (chiếm 8,08%).

Cán bộ khuyến nông huyện Quản Bạ kiểm tra sinh trưởng của cây dược liệu

Sau gần 8 năm triển khai (từ năm 2012 đến cuối năm 2019), Dự án phát triển cây dược liệu của Hà Giang đã mang lại những kết quả bước đầu, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo và phù hợp với tiềm năng thế mạnh của địa phương. Tính đến thời điểm tháng 6/2019, tổng diện tích các loài cây dược liệu đã trồng của Hà Giang đạt trên 9.400 ha, chủ yếu là các loại dược liệu như atiso, đương quy, bạch chỉ, ý dĩ, thảo quả, ấu tẩu.... Mục tiêu của Hà Giang là phấn đấu đến năm 2020 trở thành vùng trọng điểm trong phát triển các loài cây dược liệu của Quốc gia.

Nhằm phát triển bền vững các loài cây dược liệu và đạt được mục tiêu đã đề ra, tỉnh Hà Giang đề ra chủ trương xây dựng Trung tâm Bảo tồn và phát triển cây dược liệu của tỉnh tại huyện Quản Bạ; đẩy mạnh nghiên cứu nhằm sản xuất các loại thuốc tân dược từ nguồn dược liệu khai thác và gieo trồng của tỉnh; ban hành danh mục các chủng, loài dược liệu quý hiếm trên địa bàn nhằm xúc tiến công tác bảo tồn; bổ sung các chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong quá trình phát triển cây dược liệu; xúc tiến quá trình giao đất cho các dự án phát triển trồng cây dược liệu...

Đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang cho biết: Tỉnh sẽ giao cho Sở Y tế là cơ quan chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh về Chương trình phát triển cây dược liệu để Sở chủ động làm việc với các ban ngành, các doanh nghiệp nhằm xây dựng kế hoạch triển khai phát triển cây dược liệu, đảm bảo lộ trình và thời gian thực hiện cụ thể. Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng Đề án bổ sung nhiệm vụ nghiên cứu, bảo tồn và phát triển các loài cây dược liệu của tỉnh. Sở Công thương sẽ xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển các chợ kinh doanh cây dược liệu....

                                                                          Phạm Văn Phú

                                             Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Giang