Vào những ngày này, trên cánh đồng thôn Trần Xá, xã Nam Hưng, huyện Nam Sách không khó bắt gặp không khí vui tươi phấn khởi của bà con nông dân. Nhìn những ruộng lúa bắt đầu ngả vàng, bông trĩu trịt, không ai là không khỏi trầm trồ. Để có được thành công đó, xã Nam Hưng đã chủ trương chuyển đổi cơ cấu bộ giống, đưa các giống lúa mới có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất, chất lượng cao vào sản xuất gieo cấy đúng khung thời vụ, làm tốt khâu dự báo, phòng, trừ sâu bệnh và đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa, cơ giới hóa đồng bộ, từ khâu làm đất, chăm sóc và thu hoạch nên vụ lúa mùa của địa phương được đánh giá thắng lợi toàn diện.

Cánh đồng lúa Gia Lộc 37 cấy máy trên diện tích 15 ha tại thôn Trần Xá, xã Nam Hưng

 

Nam Hưng được biết đến là địa phương tiên phong đi đầu và áp dụng có hiệu quả mô hình mạ khay cấy máy tại huyện Nam Sách. Việc sử dụng phương thức gieo mạ khay cấy bằng máy giúp bà con chủ động về thời vụ, giảm chi phí và giải phóng sức lao động, hạ giá thành sản xuất, mang lợi nhuận cao cho người dân, từng bước hướng đến nền sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững.

Để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với các tiến bộ KHKT mới, hằng năm xã Nam Hưng phối hợp Phòng NN&PTNT huyện, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp triển khai nhiều hoạt động phổ biến KHKT như: hội thảo, tập huấn chia sẻ kinh nghiệm cho người dân nhằm chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, tổ chức các lớp tập huấn cho người dân về các mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và tập quán sản xuất của người dân trên địa bàn. Xã thường xuyên phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Hải Dương mở các lớp tập huấn về mạ khay cấy máy giúp bà con có thể nắm bắt được những kiến thức khoa học kỹ thuật để áp dụng vào thực tiễn sản xuất. Bên cạnh đó, địa phương đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện sản xuất: Gia Lộc 37, TBR225, BC15, Bắc Thịnh, Thiên Ưu 8 được đưa vào gieo trồng tại địa phương nên năng suất lúa của xã Nam Hưng luôn đạt từ 65-70 tạ/ha, cá biệt có những diện tích đạt gần 72 tạ/ha.

Xác định là địa phương có truyền thống trồng cây vụ đông, việc đưa những giống ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng để kịp thời chuyển vụ đang là ưu tiên số một của bà con địa phương. Với nhiều tính năng vượt trội như thời gian sinh trưởng ngắn, cứng cây, chống đổ tốt, chịu thâm canh, chống chịu khá với rầy nâu và chống chịu trung bình với đạo ôn, giống Gia Lộc 37 đang được người dân xã Nam Hưng đánh giá cao, thích hợp để đưa vào sản xuất hai vụ ở địa phương, vừa đảm bảo tăng năng suất, vừa đảm bảo thời vụ gieo trồng cây vụ đông đặc biệt trên diện tích trồng hành sớm ở Nam Hưng.

Qua thực tế sản xuất trên đồng ruộng cho thấy giống lúa Gia Lộc 37 là giống lúa ngắn ngày vụ xuân khoảng 115 – 120 ngày, vụ mùa khoảng 85 - 90 ngày, có khả năng thích ứng rộng, đẻ nhánh khỏe, chống chịu sâu bệnh tốt, phù hợp trên nhiều vùng đất và khí hậu của địa phương; khả năng kháng bệnh khá, lúa trỗ tập trung, có phẩm chất gạo ngon, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng hiện nay. Chính vì vậy diện tích Gia Lộc 37 không ngừng tăng tại địa phương. Vụ xuân 2021, xã Nam Hưng triển khai quy vùng mô hình trình diễn mạ khay cấy máy trên giống lúa Gia Lộc 37 với quy mô 3,7 ha, kết quả cho năng suất trung bình 265 kg/sào. Vụ mùa 2021, xã Nam Hưng tiếp tục quy vùng phát triển mô hình cấy máy mở rộng 15 ha trên giống Gia Lộc 37. Thời tiết thuận lợi nên lúa được mùa.

Bên cạnh việc lựa chọn giống mới đáp ứng yêu cầu thực tế sản xuất tại địa phương, xã cũng chủ động tiếp cận công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác. Điển hình là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, toàn tỉnh Hải Dương đang thực hiện cách ly toàn xã hội, để đảm bảo phòng dịch cho người dân, xã Nam Hưng đã phối hợp với phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Nam Sách và Công ty Licopec - Bộ Quốc phòng triển khai mô hình ứng dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật cho mô hình cấy máy mở rộng 15 ha trên giống lúa Gia lộc 37 tại thôn Trần Xá, xã Nam Hưng nhằm phòng trừ sâu cuốn lá lứa 6 trong giai đoạn đứng cái làm đòng. Song song với việc đẩy mạnh tiến bộ khoa học kỹ thuật, địa phương phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tạo điều kiện để người dân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi đầu từ các loại máy móc hiện đại, phục vụ cho phát triển sản xuất trên địa bàn.

Có thể nói việc áp dụng tiến bộ KHKT, chuyển đổi đúng hướng cơ cấu giống, cây trồng là chìa khóa để tăng năng suất, chất lượng, giá trị cho diện tích sản xuất lúa, gạo tại địa phương từ đó giúp nông nghiệp của Nam Hưng phát triển một cách bền vững, tạo bước đột phá về lĩnh vực nông nghiệp của địa phương. Việc lựa chọn những giống ngắn ngày phục vụ bà con địa phương đã thúc đẩy cho một vụ đông thắng lợi nữa góp phần không nhỏ vào tăng trưởng nông nghiệp xã nhà trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, góp phần thực hiện thành công mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế- xã hội”, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Nguyễn Thị Tuyền

Trung tâm Khuyến nông Hải Dương