Đây là mô hình đầu tiên trong tỉnh mạnh dạn ứng dụng công nghệ 4.0 vàosản xuất nông nghiệp. Mô hình đòi hỏi sự đầu tư bằng nguồn vốn lớn, khoảng 4 tỷ đồng để xây dựng nhà màng, hạ tầng đi kèm, điện, hệ thống tưới tiêu…

Dựa vào nền tảng khoa học kỹ thuật, Công ty đã xây dựng kết cấu nhà màng làm bằng khung thép mạ kẽm chịu lực, chịu sức gió, phía trên phủ lớp màng dày, xung quanh có lưới chắn côn trùng và hệ thống màng tự động có thể đóng, mở tùy điều kiện thời tiết. Các hệ thống điều khiển nhiệt độ, ánh sáng thông minh với thiết bị đi kèm bao gồm hệ thống tưới nhỏ giọt Isarel, hệ thống phun sương trong nhà, hệ thống tưới mái, các cảm biến nhiệt độ và độ ẩm… Tất cả được đấu nối với bộ điều khiển trung tâm có tác dụng nhận những thông số từ bộ cảm biến được lập trình sẵn nhằm tự động điều chỉnh nước tưới, bón phân, thông gió, phun sương theo yêu cầu của từng loại cây trồng trong bộ nhớ lập trình, đảm bảo môi trường lý tưởng, chất dinh dưỡng cho cây phát triển.

Với công nghệ nhà màng, các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa bão, rét, nắng nóng gây hại cho cây trồng được ngăn chặn. Việc sản xuất theo phương pháp thủy canh đồng thời giúp tiết kiệm diện tích, cây trồng có đủ không gian, ánh sáng để phát triển cũng như thuận lợi cắt tỉa cành nhánh, chọn quả, thụ phấn và phòng trừ bệnh cho cây dễ dàng, hiệu quả. Do áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật, cây trồng được chăm sóc tốt nhất, tránh được gần như 100% sâu bệnh hại, phòng tránh 80% số bệnh và nguồn bệnh hại, tránh phải sử dụng thuốc BVTV, đồng thời tăng năng suất, chất lượng, giảm được 70% nhân công, sản phẩm làm ra sạch, đảm bảo ATTP.

Mỗi cây được trồng trong một bầu giá thể bằng xơ dừa, đặt trong luống đã được lót bạt nilon cách ly với nền đất để tránh mầm bệnh. Quá trình chăm sóc, cây phát triển trong nhà màng được kiểm soát chặt chẽ về nhiệt độ, việc tưới nước được áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel đến tận gốc cây. Đây là hệ thống tưới nước tự động với phân bón hòa sẵn vào trong nước, được tưới chính xác cho mỗi cây nên dưa phát triển đồng đều. Qua 4 năm ứng dụng đã khẳng định mô hình trồng dưa trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao của Isarel cho năng suất cây trồng gấp 3 lần so với phương pháp canh tác thông thường, thời gian thu hoạch ngắn, dưa chuột từ 25- 30 ngày, dưa kim hoàng hậu 60- 65 ngày. Năm 2019, công ty tập trung sản xuất chủ lực giống dưa kim hoàng hậu. Với giá bán 45.000- 50.000 đồng/kg, dự kiến mang lại doanh thu khoảng 2 tỷ đồng.

Giám đốc công ty TNHH Hòa Bình GAP bên vườn trồng dưa kim hoàng hậu

Mô hình hoạt động hiệu quả không chỉ cho ra sản phẩm ATTP, mang lại giá trị kinh tế lớn cho chủ đầu tư mà còn góp phần thay đổi nhận thức của người dân về ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp để tăng giá trị kinh tế và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Sản phẩm công nghệ cao của Công ty TNHH MTV Hòa Bình GAP hiện đã có tem truy xuất nguồn gốc, cung cấp chủ yếu tại thị trường là các siêu thị, cửa hàng kinh doanh sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP.

Có thể khẳng định việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để tạo ra sản phẩm chất lượng, sạch bệnh và an toàn thực phẩm đang là hướng phát triển mới, bền vững của ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình. Chính vì vậy, việc nhân rộng những mô hình hiệu quả như mô hình trồng dưa trong nhà màng như trên là việc cần thiết bởi không chỉ giúp đẩy mạnh sản xuất tiến tới nền nông nghiệp công nghệ cao, mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho người sản xuất.

Hiện nay, ngành nông nghiệp đang tích cực triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là nội dung hết sức quan trọng. Hy vọng, những mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất sẽ được ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình đặc biệt quan tâm hỗ trợ phát triển và không chỉ dừng lại trên cây dưa mà có thể mở rộng trên nhiều loại cây trồng khác./.

Thanh Hằng

Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình