Năm 2020, diện tích cà phê toàn tỉnh đạt 174.142,3 ha, diện tích kinh doanh 162.040,1 ha, năng suất bình quân 31,9 tạ/ha, sản lượng 516.602 tấn. Trong đó, cà phê vối 160.457,1 ha (chiếm 92,1% tổng diện tích cà phê), sản lượng 477.625,1 tấn; cà phê chè 13.685,2 ha (chiếm 7,9% tổng diện tích cà phê), sản lượng 38.977,7 tấn. Ước thực hiện năm 2021, diện tích đạt 173.006,8 ha, diện tích kinh doanh 161.986 ha, năng suất bình quân 32,1 tạ/ha, sản lượng 520.342,4 tấn. Trong đó, cà phê vối 160.620,5 ha (chiếm 92,8% tồng diện tích cà phê), sản lượng 488.328,1 tấn; cà phê chè 12.167,3 ha (chiếm 7% tổng diện tích cà phê), sản lượng 31.313,5 tấn; cà phê mít 219 ha (chiếm 0,1% tổng diện tích cà phê), sản lượng 700,8 tấn.

Sản xuất cà phê trong những năm gần đây đang gặp những khó khăn do sự thay đổi bất thường của thời tiết, khí hậu (hạn hán, mưa trái mùa…), giá cả thấp, chi phí vật tư đầu vào tăng (công lao động, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,…). Ngày 29/8/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 109/2018/NĐ-CP về Nông nghiệp hữu cơ. Đây là một nhu cầu tất yếu, một phương thức sản xuất quan trọng hiện nay cũng như trong thời gian tới để thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2030. Vì vậy, để phát triển cà phê bền vững cho Việt Nam nói chung và Tây Nguyên, Lâm Đồng nói riêng, sản xuất theo hướng hữu cơ là một hướng đi mới, phù hợp với xu thế của thế giới.

Năm 2021, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng triển khai thực hiện mô hình sản xuất cà phê chè theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc và liên kết theo chuỗi giá trị thuộc Dự án Khuyến nông Trung ương Xây dựng mô hình sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc và liên kết theo chuỗi giá trị nhằm xây dựng một mô hình chuẩn về sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc và liên kết theo chuỗi giá trị. Mô hình sẽ là nơi để bà con nông dân đến tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm, góp phần đưa thương hiệu cà phê tỉnh Lâm Đồng ngày càng phát triển.

Mô hình sản xuất cà phê chè theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc và liên kết theo chuỗi giá trị được thực hiện trên 10 ha tại xã Xuân Trường và xã Xuân Thọ, TP. Đà Lạt. Hiện tại, các vườn cây sinh trưởng, phát triển tốt, lá xanh đậm, dày, cành dự trữ cho niên vụ sau nhiều. Năng suất năm 2021, trung bình của mô hình đạt 2,325 tấn nhân khô/ha, với giá bán 90.000 đồng/kg cho thu nhập được 209.250.000 đồng/ha/năm. Sau khi trừ chi phi đầu tư, công lao động còn lãi thuần 144.157.500 đồng/ha. Trong khi đó, năng suất trung bình ở ngoài mô hình sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc và liên kết theo chuỗi giá trị đạt 2,220 tấn nhân khô/ha/năm với giá bán 85.000 đồng/kg cho thu nhập  188.700.000 đồng/ha. Sau khi trừ chi phí đầu tư, công lao động còn lãi thuần 124.128.000 đồng/ha. Năng suất mô hình cao hơn năng suất ngoài mô hình 105 kg nhân khô/ha/năm, giá cà phê nhân sản xuất theo hướng hữu cơ liên kết được với các đơn vị thu mua là Hợp tác xã cà phê Song Vũ và Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Tổng hợp Trường Gia Phát mua với giá cao hơn so với thị trường 5.000 đồng/kg nhân khô. Từ đó, thu nhập vườn mô hình tăng 20.029.500 đồng/ha/năm so với ngoài mô hình, tăng giá trị kinh tế: 16,13%. Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông đã tổ chức 01 lớp tập huấn kỹ thuật với số lượng 15 lượt tham gia để chuyển giao kỹ thuật sản xuất cà phê chè theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc và liên kết theo chuỗi giá trị và 01 Hội nghị thành lập tổ liên kết với 40 hộ tham gia.

Đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lâm Đồng kiểm tra mô hình sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc và liên kết theo chuỗi giá trị

 

Mô hình sản xuất cà phê chè theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc và liên kết theo chuỗi giá trị phù hợp hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi liên kết, nâng cao năng suất, chất lượng cà phê chè. Năng suất cà phê chè được ổn định, từ đó có thể mở rộng liên kết thị trường tiêu thụ, giá bán sản phẩm cao, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con nông dân sản xuất cà phê chè. Mô hình thành công góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, sức khoẻ cho người sản xuất và người tiêu dùng, giảm ô nhiễm môi trường do ít sâu bệnh hại, ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật độc hại. Tạo nên một nền nông nghiệp bền vững, thiết thực, đáp ứng nhu cầu của nông dân và được nông dân hưởng ứng nhiệt tình. Mô hình sẽ được phát triển mở rộng trong thời gian tới.

Quỳnh Châu

Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng