Tuy nhiên hơn 40 năm nay, người dân trồng quế xã Nậm Đét chỉ có thói quen truyền thống là bán quế thô (quế bóc khỏi cây phơi khô rồi bán hoặc bán tươi trực tiếp cho tư thương) nên giá trị sản phẩm thấp. Với mục tiêu thay đổi phương thức tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho người dân trồng quế xã Nậm Đét, vừa qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lào Cai tổ chức lớp 02 tập huấn cho 73 học viên là nông dân thuộc các tổ nhóm nông dân sở thích trồng quế xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà về kỹ thuật sơ chế quế. Lớp tập huấn là một hoạt động của dự án Nâng cao vị thế kinh tế của phụ nữ thông qua thúc đẩy chuỗi giá trị quế do Tổ chức phát triển Hà Lan tài trợ.

Tại lớp tập huấn, học viên được giới thiệu, hướng dẫn công dụng và cách sử dụng một số loại máy móc, dụng cụ, thiết bị sơ chế, chế biến vỏ quế; được phổ biến nguyên tắc an toàn, vệ sinh trong lao động; được hướng dẫn kỹ thuật thu hoạch và khai thác quế, các biện pháp sơ chế, chế biến các sản phẩm như bào quế, chà quế, hàng ống sáo, ống điếu, hàng chặt vuông có chất lượng, quy cách, mẫu mã đa dạng... đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Qua tập huấn, học viên đã hiểu rõ nguyên lý tạo ra các sản phẩm khác nhau từ vỏ quế. Đa phần học viên tham gia khóa tập huấn khẳng định sẽ áp dụng kiến thức được học để sơ chế quế cho gia đình.

Các học viên thực hành sơ chế quế

Được biết, ngay vụ thu hoạch quế vụ ba trong năm 2018, các hộ dân đã triển khai luôn việc sơ chế, chế biến vỏ quế và đã cho hiệu quả kinh tế cao. Thời điểm tháng 5/2018, mặt hàng vỏ quế khô chưa qua sơ chế người dân bán được giá 37.000 đồng/kg, sau khi sơ chế, giá cả các mặt hàng tăng lên như quế ống điếu bán với giá 60.000 đồng/kg, quế ống sáo bán với giá 70.000-75.000 đồng/kg, quế thuốc lá bán với giá 140.000đồng/kg... Sau khi trừ đi các chi phí mua dụng cụ, máy móc thiết bị và công lao động, người sản xuất quế đã nâng giá trị vỏ quế của mình từ 1,3 lần đến 3 lần tùy thuộc và ocác mặt hàng khác nhau. Trung bình giá trị thu nhập từ vỏ quế tăng gấp đôi sau khi sơ chế.

Việc tập huấn sơ chế quế thực sự đã có tác động rất rõ nét, nâng cao năng lực tổ chức sản xuất theo kế hoạch, quy hoạch cho người dân. Thực tế sản xuất của một số hộ gia đình thấy rằng việc sơ chế quế không khó, tất cả mọi người đều làm được từ lao động trẻ đến người già, đặc biệt rất hợp với lao động nữ.

Để tạo thêm giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị quế, các hộ dân xác định phải cùng nhau góp vốn xây dựng xưởng sơ chế, góp sức lao động, phân công nhiệm vụ từng thành viên trong nhóm theo năng lực, thế mạnh của từng người để tổ chức thu mua nguyên liệu, sơ chế và bán sản phẩm. Đến nay, trong xã đã hình thành 2 nhóm sơ chế quế hoạt động hiệu quả, đặc biệt đã tăng cường các mối liên kết hỗ trơ lẫn nhau giữa các hộ dân trồng quế xã Nậm Đét về tổ chức quản lý sản xuất, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau về kiến thức trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, chế biến trong chuỗi giá trị ngành hàng quế. Qua đó, tạo công ăn việc làm, nâng cao năng suất, hiệu suất lao động, nâng cao giá trị thu nhập cho người dân trồng quế. Đặc biệt, khi áp dụng vào hoạt động sản xuất của gia đình, nữ giới sẽ được tham gia nhiều trong việc sơ chế quế, từ đó chia sẻ bớt việc nhà cho nam giới, tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia các hoạt động tạo thu nhập cho gia đình, nâng cao vị thế kinh tế của phụ nữ trong gia đình và cộng đồng, thúc đẩy bình đẳng giới.

Thanh Hương

Trung tâm Khuyến nông Lào Cai