Xuất phát điểm là một xã thuần nông, để thúc đẩy phát triển kinh tế xã Nghĩa Yên đã mạnh dạn đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng hàng hóa; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh để tăng năng suất. Nhờ triển khai mô hình trồng ổi trên diện tích đất sản xuất kém hiệu quả, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã dần ổn định kinh tế gia đình với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Giống ổi được lựa chọn trồng là ổi lê Đài Loan, là giống ổi sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất cao, quả mẫu mã đẹp, vị ngon ngọt và giòn rất phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Hiện toàn xã đã phát triển được 86 ha ổi. Diện tích trồng ổi tập trung nhiều nhất ở các xóm Đồng Song (30 ha), Lâm Sinh (25 ha)…

Ông Hồ Văn Sơn ở xóm Lâm Sinh - chủ vườn ổi chia sẻ: Một cây ổi lê nếu chăm sóc tốt sẽ có chu kỳ thu hoạch liên tục trong 6-7 năm mới phải trồng lại. Thời gian thu hoạch diễn ra quanh năm, tập trung chính từ tháng 8 năm này đến tháng 4 năm sau. Trồng ổi lê không quá vất vả nhưng phải đảm bảo kỹ thuật bón phân, tưới cây, tỉa cành, phòng trừ sâu bệnh… Đặc biệt để đảm bảo chất lượng, nâng cao độ sáng bóng cho quả ổi, tránh bị nhiễm sâu bệnh cho đến khi thu hoạch thì khi quả ổi to bằng ngón chân cái (2-2,5 cm) cần dùng lưới xốp và túi nilon bọc cho từng quả. Gia đình ông có 1 ha ổi, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 20 tấn ổi. Với giá bán 10 - 17 nghìn đồng/kg, đặc biệt vào thời điểm lễ tế,t giá ổi cao 20-25 nghìn đồng/kg, bình quân cho tổng thu nhập trên 200 triệu đồng/ha/năm.

Còn ông Chu Văn Giáp ở xóm Đồng Song có diện tích trồng ổi khoảng 1 ha cho biết, lúc đầu ông chỉ trồng thử vài trăm gốc ổi. Sau một thời gian thấy có hiệu quả ông mở rộng diện tích lên 1 ha như bây giờ. Vị ngon ngọt của quả ổi ngoài yếu tố thổ nhưỡng, chăm sóc, phân bón… thì thời điểm thu hoạch cũng rất quan trọng. Từ lúc nở hoa cho đến khi thu hoạch khoảng 3 - 4 tháng, khi quả bắt đầu chuyển sang màu xanh nhạt hơn thì tiến hành thu hoạch. Nếu để lâu quá, quả sẽ chuyển sang màu vàng và mềm, mất độ giòn ngon.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả kinh tế từ việc trồng ổi, thời gian qua UBND xã Nghĩa Yên đã có nhiều cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho người nông dân tích tụ ruộng đất, mở rộng sản xuất như chính sách thuê đất, cải tạo đất… Địa phương đã thành lập Tổ hợp tác trồng ổi (năm 2023) với 16 thành viên để liên kết, trao đổi, chia sẻ, giúp đỡ nhau về kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm ổi. Đồng thời xã phối hợp với Trung tâm khuyến nông tỉnh, huyện… tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng ổi để người dân chung tay tạo dựng thương hiệu ổi Nghĩa Yên chất lượng sạch, ngon, ngọt, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Những nỗ lực được đền đáp khi năm 2023, sản phẩm ổi của xã đã được cấp chứng nhận ổi VietGAP.

Ông Hoàng Văn Chuân- PCT UBND xã Nghĩa Yên cho biết: Mô hình trồng ổi sạch của người dân trên địa bàn xã đã khảng định được hướng đi đúng đắn, phát huy được lợi thế về đất đai, điều kiện tự nhiên của địa phương. Với chất lượng thơm ngon, giòn, ngọt, ổi chín tự nhiên và tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật chăm sóc đảm bảo an toàn chất lượng ổi Nghĩa Yên tự tin không thua kém ổi trồng các nơi khác. Hiện xã đã xây dựng và đang hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ để được công nhận quả ổi là sản phẩm OCOP của địa phương. Đây là cơ hội để sản phẩm ổi sạch Nghĩa Yên từng bước khẳng định thương hiệu và nâng cao giá trị, tạo thuận lợi trong việc tiêu thụ sản phẩm cho người dân.

Về xã Nghĩa Yên hôm nay đường xá giao thông sạch đẹp, nhiều ngôi nhà mái đỏ khang trang. Người dân toàn xã đang trong niềm vui hân hoan đón nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới. Cuộc sống người dân có nhiều khởi sắc hơn trong đó có sự góp phần của sản xuất nông nghiệp nói chung và cây ổi nói riêng. Từ những hiệu quả kinh tế mang lại, xã Nghĩa Yên đang tập trung xây dựng thương hiệu sản phẩm ổi sạch, nâng cao giá trị và mở rộng thị trường tiêu thụ cho cây ổi trong thời gian tới.

Kim Dung

Trung tâm Khuyến nông Nghệ An