Ngày 9 tháng 9 năm 2024 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Chương trình Tác động đến Hệ thống lương thực thực phẩm, sử dụng đất và phục hồi (FOLUR) thuộc Ngân hàng Thế giới đã tổ chức Diễn đàn khu vực về “Canh tác lúa phát thải thấp - Hiện thực hóa tầm nhìn trên quy mô cảnh quan”. Diễn đàn nhằm thúc đẩy hợp tác, tạo sự đồng thuận và tìm kiếm các giải pháp khả thi để ứng phó với các thách thức trong quá trình phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững trên những cảnh quan khác nhau.

Diễn đàn quy tụ hơn 120 đại biểu, trong đó có 70 đại biểu quốc tế đến từ các quốc gia thành viên Chương trình FOLUR (Anh, Ấn Độ, Bangladesh, Benin, Bhutan, Burkina Faso, Canada, Công gô, Chad, Indonesia, Hoa Kỳ, Kenya, Nigeria, Nhật, Pakistan, Pháp, Philippines, Trung Quốc, Tanzania, Thái Lan, Sri Lanka, Úc, Ý và Việt Nam), cũng như đại diện từ các cơ quan của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế, các tổ chức xã hội, các tổ chức nghiên cứu, các doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học và các bên liên quan…

leftcenterrightdel
Toàn cảnh Diễn đàn 

Hiện nay, thế giới sản xuất khoảng 524 triệu tấn gạo mỗi năm. Là nguồn lương thực chính, gạo cung cấp 20% lượng calo của thế giới, đóng vai trò quan trọng trong an ninh lương thực. Ngành lúa gạo cũng là nguồn cung cấp việc làm quan trọng cho người nghèo ở nông thôn. Những hộ nông dân nhỏ sản xuất đến 80% lượng gạo của thế giới và 144 triệu người trên toàn thế giới là nông dân trồng lúa. Con số này chưa bao gồm hàng trăm triệu người trực tiếp hoặc gián tiếp phụ thuộc vào chuỗi giá trị lúa gạo để kiếm sống. Tuy nhiên, sản xuất lúa gạo cũng tạo ra 4,3% lượng khí thải nhà kính trong hệ thống sản xuất lương thực toàn cầu và 16% lượng khí thải mê-tan trong nông nghiệp. Vì mê-tan là loại khí nhà kính tồn tại trong thời gian ngắn và có khả năng làm nóng toàn cầu cao, nên việc giảm phát thải từ sản xuất lúa gạo có thể tác động nhanh chóng đến việc làm chậm quá trình biến đổi khí hậu. Do đó, vai trò của ngành lúa gạo trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu đang ngày càng nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà hoạch định chính sách và xã hội.

Tại Việt Nam, lúa gạo là ngành sản xuất truyền thống và quan trọng đã tạo ra sinh kế cho hàng chục triệu nông dân trên cả nước. Những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn trong sản xuất lúa gạo, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và hiện vẫn giữ vững vị trí là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới với kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng cao. Hạt gạo Việt Nam đã tiếp cận tới các thị trường trên toàn cầu, từ châu Âu, châu Mỹ tới tới châu Phi và châu Á với khối lượng xuất khẩu trung bình đạt trên 6 triệu tấn/năm. Chính phủ Việt Nam hiện rất quan tâm đến phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu và tích cực thực hiện các cam kết quốc tế của mình một cách có trách nhiệm. Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra cam kết Việt Nam đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cam kết tham gia sáng kiến “Giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu”, cam kết thực hiện “Tuyên bố Glasgow về sử dụng Rừng và Đất” và một số sáng kiến khác. Tại COP28, Việt Nam cũng đã tham gia “Tuyên bố Emirates về Nông nghiệp bền vững, Hệ thống lương thực thực phẩm có khả năng chống chịu và Hành động vì khí hậu”. Việc tham gia các cam kết và sáng kiến quốc tế tạo ra sự chuyển biến lớn về cách tiếp cận phát triển sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo nói riêng theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững hơn.

Để bắt tay vào thực hiện các cam kết, ngày 27/11/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đến 2030". Mục tiêu chung của đề án là tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính. Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Nông nghiệp và PTNT: “Để thực hiện thành công Đề án, Việt Nam cần phải có những nỗ lực rất lớn, không chỉ từ các cơ quan phía Chính phủ, mà cả khối tư nhân, doanh nghiệp, người sản xuất trực tiếp cùng tham gia thực hiện ở các quy mô khác nhau để khơi thông nguồn lực đầu tư của toàn xã hội. Tiếp cận tài chính trở thành một yếu tố then chốt giúp nông dân và doanh nghiệp trong chuỗi giá trị lúa gạo có thể đầu tư vào công nghệ mới, cải tiến quy trình sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, thực tế hiện nay các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ và người nông dân gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận nguồn tài chính để đầu tư vào nông nghiệp”.

“Diễn đàn khu vực "Canh tác lúa phát thải thấp - Hiện thực hóa tầm nhìn trên quy mô cảnh quan” sẽ là cơ hội để chúng ta trao đổi thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp chính sách để thúc đẩy khả năng tiếp cận tài chính, khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất, chế biến, phân phối, thương mại … theo hướng phát thải thấp, bền vững cho các bên liên quan trong chuỗi giá trị lúa gạo nói riêng và hệ thống lương thực thực phẩm nói chung; cũng như tìm hiểu các nhu cầu, phương thức hình thành thị trường tín chỉ các bon cho ngành lúa gạo vốn còn rất mới mẻ và nhiều khó khăn, thách thức”. – Đại diện Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết thêm.

Diễn đàn “Canh tác lúa phát thải thấp - Hiện thực hóa tầm nhìn trên quy mô cảnh quan” diễn ra từ ngày 9 đến ngày 12 tháng 9 tại Hà Nội, bao gồm ba ngày họp tại Hà Nội và một ngày đi thực tế tại các địa phương để tìm hiểu về chuỗi giá trị và sản xuất lúa gạo bền vững và phát thải thấp. Các đại biểu sẽ có cơ hội trao đổi với nông dân, thăm các hợp tác xã và Công ty cổ phần Tập đoàn Thaibinh Seed, tham quan cảnh quan đặc trưng cũng như hệ thống thủy lợi của Đồng bằng sông Hồng.

Để xây dựng cảnh quan bền vững cho con người và hành tinh, FOLUR là chương trình trị giá 345 triệu đô la Mỹ, kéo dài bảy năm, nhằm mục đích cải thiện tính bền vững của những vùng cảnh quan sản xuất lương thực cho thế giới. Với sự hỗ trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) - quỹ tín thác đa phương lớn nhất tạo điều kiện cho các nước đang phát triển đầu tư vào thiên nhiên và được Ngân hàng Thế giới chủ trì, Chương trình FOLUR có vị thế độc đáo để cải thiện tính bền vững của chuỗi giá trị lương thực thực phẩm.