Dự án “Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm tỉnh Long An” (viết tắt là LIFSAP Long An) với mục tiêu là nâng cao khả năng cạnh tranh của hộ chăn nuôi thông qua cải thiện năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời hỗ trợ nâng cấp điều kiện vệ sinh tại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm và chợ thực phẩm tươi sống để xây dựng chuỗi thực phẩm chăn nuôi sạch từ trang trại đến bàn ăn.

Theo mục tiêu nêu trên, dự án đã thực hiện thường xuyên và đa dạng các hoạt động truyền thông hướng dẫn, hỗ trợ cho hộ chăn nuôi xây dựng vùng tập trung ứng dụng quy trình “Thực hành chăn nuôi tốt - GAHP” và các cơ sở giết mổ, chợ bán thực phẩm có nguồn gốc chăn nuôi trong toàn tỉnh. Trong đó, hỗ trợ hộ chăn nuôi xây dựng/lắp đặt công trình khí sinh học (biogas) là một trong những hoạt động chính yếu của dự án, nhằm cải thiện nhận thức và thực hành của người chăn nuôi về trách nhiệm bảo vệ môi trường, hài hòa với lợi ích kinh tế.

Tính đến năm 2017, toàn tỉnh đã có 1.212 công trình/1.212 hộ chăn nuôi tại 55 xã, thị trấn của 4 huyện thuộc vùng phát triển GAHP (Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ, Châu Thành) đã được dự án chuyển giao ứng dụng công nghệ khí sinh học, với 293 công trình kiểu hầm xây gạch nắp vòm KT2 và 919 công trình kiểu bể chất liệu composite với tổng thể tích 9.119 m3.

Trước khi dự án triển khai, số hộ chăn nuôi heo (lợn) có áp dụng biogas tại các huyện địa bàn chỉ chiếm khoảng 60%, mặc dù đây là vùng chăn nuôi tập trung của tỉnh; trong đó,hầu hết là hầm trụ bê-tông, túi nhựa PE quy mô nhỏ, một số ít hộ có hầm xây gạch nắp vòm do Dự án Khí sinh học Long An chuyển giao trước đó và hoàn toàn chưa tiếp cận với kiểu công trình bể hình cầu đúc sẵn bằng chất liệu composite.

Với chính sách hỗ trợ một phần chi phí (200 USD/công trình), chiếm khoảng 35 - 40% tổng chi phí xây dựng/lắp đặt, cùng các hoạt động hội thảo, tập huấn và tư vấn trực tiếp, dự án đã thúc đẩy các hộ chăn nuôi tích cực đầu tư xây dựng mới và bổ sung các công trình hầm xây gạch nắp vòm và bể composite; trong đó, công trình bể composite đặc biệt được hộ chăn nuôi ưa chuộng do có các mặt tiện lợi trong quá trình thi công lắp đặt.

Công trình khí sinh học kiểu bể hình cầu đúc sẵn bằng chất liệu composite được các hộ chăn nuôi ưa chuộng

Tính đến thời điểm kết thúc đầu tư của dự án hiện nay, số lượng công trình khí sinh học quy mô trung bình và lớn đã tăng lên đáng kể, vừa giúp tăng tỷ lệ hộ chăn nuôi heo ứng dụng biogas tại các huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ và Châu Thành lên mức xấp xỉ 95%, vừa nâng cao hơn nữa tổng công suất tạo khí sinh học trên toàn vùng. Cần nói thêm, kết quả nêu trên là ghi nhận giới hạn trong phạm vi 4 huyện địa bàn dự án, chưa kể tác động mở rộng ứng dụng công nghệ khí sinh học đến các địa phương khác ngoài vùng, thông qua tổ chức các hoạt động tham quan trực tiếp và truyền thông nên hiệu quả đạt được trong thực tế cao hơn rất nhiều và tác động này hiện nay vẫn tiếp tục lan tỏa.

Ngoài hoạt động phát triển ứng dụng công nghệ khí sinh học, dự án còn cùng lúc tổ chức huấn luyện hộ chăn nuôi áp dụng phương thức sản xuất theo quy trình “Thực hành chăn nuôi tốt - GAHP” – đây cũng là yếu tố góp phần đồng bộ vào mục tiêu nâng cao nhận thức và hành vi của người sản xuất nông nghiệp về trách nhiệm bảo vệ môi trường sinh sống cho gia đình và cả cộng đồng địa phương./. 

Lương Lễ Dũng

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Long An