Với thời tiết khí hậu không thuận lợi, nguồn nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt còn thiếu, nhất là những tháng mùa khô nên người dân gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất. Tuy nhiên có những người dân không chịu chùn bước trước những khó khăn do nắng hạn gây ra, đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi nhằm thích ứng với điều kiện thực tế.

Giữa các nắng chói chang của tháng 6, anh Huỳnh Phương Huy - cán bộ khuyến nông Trạm Khuyến nông huyện Thuận Bắc dẫn chúng tôi đi thăm một số mô hình của các hộ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế thấp sang các cây trồng có giá trị kinh tế cao nhưng ít cần nước.

Đến thăm gia đình anh Mang Trương ở thôn Xóm Bằng, trước mắt tôi là 2 sào vườn măng tây xanh tốt. Hai vợ chồng anh đang bắt nối đường ống để lấy nước thủy lợi từ đập Cây Sung về, anh Trương vừa làm vừa nói: “Hôm nay nước được thả về để bà con tranh thủ lấy nước sinh hoạt, cho gia súc uống nên mình phải tranh thủ lấy chứ đến 10 giờ là hết nước rồi”.

Hai sào măng tây xanh tốt của anh Mang Trương trên mảnh đất khô cằn

 

Sau khi xong việc, có thời gian ngồi với nhau, tôi được nghe anh chia sẻ, gia đình anh có 6 sào đất. Trước đây mỗi năm anh chỉ sản xuất được 1 vụ với những cây ngắn ngày, còn mùa nắng thường phải bỏ hoang nên việc đối mặt với cái đói giáp hạt diễn ra thường xuyên, phải trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Năm 2018, gia đình anh mạnh dạn chuyển sang trồng măng tây xanh và đến giữa năm 2019 cây măng bắt đầu cho thu hoạch. Đây là đối tượng cây trồng đòi hỏi người nông dân phải am hiểu kỹ thuật, chăm sóc tỉ mỷ nhưng lại là loài cây có thế chịu được nắng hạn và trên hết là cho giá trị kinh tế cao. Chính vì vậy, anh Mang Trưng quyết tâm tìm tòi, học hỏi và dần làm chủ kỹ thuật trồng và chăm sóc cây măng tây.

"Với 2 sào măng, sáng nay tôi thu được 12 kg măng. Tôi dự định sẽ cho măng nghỉ để dưỡng sức, còn 4 sào nữa nếu có nước đầy đủ thì gia đình tôi sẽ tiếp tục xuống giống trong thời gian tới" – anh Măng Trương nói.

Theo ông Sầm Văn Tim – Phó Chủ tịch xã Bắc Sơn cho biết, thôn Xóm Bằng hiện có 758 hộ/3.360 nhân khẩu, hầu hết là người Rắc-Lây, sinh sống chủ yếu bằng nghề nông trồng trọt và chăn nuôi gia súc. Nguồn nước phục vụ cho sản xuất, chăn nuôi và sinh hoạt được lấy từ đập Cây Sung nhưng hiện tại không còn nước. Chính quyền địa phương đã có nhờ sự vào cuộc giúp đỡ của chính quyền cấp trên, theo đó luân phiên định kỳ nước sẽ về 10 ngày 1 lần để giúp người dân có nước để sinh hoạt, phục vụ chăn nuôi và cứu diện tích cây trồng có giá trị kinh tế cao. Năm 2018, địa phương đã vận động bà con chuyển đổi cây trồng sang các cây trồng có giá trị kinh tế, ít sử dụng nước để giúp bà con không bị đói giáp hạt khi mùa hạn đến. Hộ anh Mang Trương đã mạnh dạn đăng ký chuyển đổi, đến nay kinh tế của gia đình dần ổn định.

Được biết thôn Xóm Bằng, xã Bắc Sơn là một trong những vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất mỗi đợt hạn hán. Với địa phương chủ yếu là dân tộc Raglai, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, trình độ nhận thức cũng hạn chế nhưng với cách nghĩ cách làm của gia đình anh Mang Trương sẽ tiếp thêm những động lực cho bà con nơi đây học tập làm theo, để họ có nguồn thu mỗi khi hạn hán xảy ra./.

Cơ Nguyên

Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận