Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi những khó khăn trong quá trình phối hợp triển khai cánh đồng lớn; đề xuất những giải pháp để tiếp tục ổn định và phát triển vùng nguyên liệu mía trong thời gian đến.

Theo báo cáo của Nhà máy đường Phổ Phong, vùng nguyên liệu mía huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) gồm các xã: Bình  Trung, Bình Khương, Bình Tân, Bình Thanh Tây, Bình  Phú, Bình Châu, Bình Hiệp, Bình Phước, Bình Chương và Bình Minh với diện tích qui hoạch 518,4ha. Niên vụ mía 2015- 2016 diện tích mía thực hiện 261,74ha, năng suất bình quân 63,51 tấn/ha, sản lượng đạt 16.624 tấn. Đặc biệt 02 năm qua Nhà máy đã phối hợp với các địa phương thực hiện cánh đồng mẫu lớn để áp dụng cơ giới hóa đồng bộ đạt 37,2ha (chiếm 14,5% tổng diện tích mía toàn huyện), tại 04 xứ đồng, bình quân gần 10ha/xứ đồng, đã góp phần đưa năng suất và chất lượng mía toàn vùng lên cao. Năng suất mía đạt 84,75 tấn/ha cao hơn năng suất chung 21 tấn/ha và cao hơn bình quân mía không ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ là 23 tấn/ha. Chất lượng mía cao hơn bình quân chung toàn huyện 0,2%.

Dồn diền đổi thửa, xây dựng cánh đồng lớn để đưa cơ giới và các khâu trong sản xuất mía

Ông Tạ Công Tường, Giám đốc Nhà máy đường Phổ Phong cho biết: Giải pháp quan trọng và có yếu tố quyết định đến hiệu quả kinh tế cánh đồng lớn là góp đất, phá bờ tạo cánh đồng lớn (tối thiểu 05ha). Để khuyến khích và tạo niềm tin cho nông dân khi góp đất phá bờ ruộng áp dụng cơ giới hóa, Nhà máy cam kết bảo hiểm năng suất, chất lượng tùy theo vùng đất, thì khi đó hoạt động cơ giới sẽ phát huy tác dụng về kỹ thuật làm đất, trồng mía và chăm sóc bón phân và thu hoạch bằng máy. Kết quả, ngoài việc năng suất tăng 100% so với làm thủ công còn giảm đáng kể chi phí sản xuất, riêng công lao động thủ công trồng, chăm sóc mía tiết kiệm từ 40-50 công/ha. Về hiệu quả kinh tế khi áp dụng đúng quy trình kỹ thuật doanh thu đạt 84 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí sản xuất, còn lãi 38-40 triệu/ha. Nếu so sánh với cây sắn (mì) thì hiệu quả kinh tế cây mía cao hơn gấp 2 lần, so với cây lúa cao gấp 5 lần.

Lao động nông nghiệp trong khâu thu hoạch mía ngày một giảm, nhiều hộ nông dân không chủ động nhân công thu hoạch theo kế hoạch của Nhà máy, mặt khác thời vụ thu hoạch và gieo sạ cây lúa trùng với chính vụ thu hoạch mía nên ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch sản xuất hàng ngày. Do vậy, đối với sản xuất thâm canh mía nguyên liệu, nhà máy đề xuất 4 hình thức tạo cánh đồng lớn để cơ giới hóa đồng bộ như: Cá nhân chuyển nhượng (mua, bán) lâu dài quyền sử dụng đất, cá nhân thuê đất tích tụ theo chu kỳ sản xuất, nhiều hộ góp đất tích tụ để liên kết sản xuất thành tổ nhóm, đối với đất nhà nước quản lý cần quy hoạch cho cá nhân hoặc tổ chức hợp đồng thuê khoán để sản xuất.

Niên vụ 2016-2017, Nhà máy đường Phổ Phong xây dựng kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu tại huyện Bình Sơn với tổng diện tích 334,25 ha, trong đó ứng dụng cánh đồng lớn, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ là 147,2 ha (trồng mới 110 ha, thâm canh gốc 37,2 ha); diện tích thủ công 187,12 ha. Định hướng kế hoạch đến năm 2020 Nhà máy đường xây dựng phát triển vùng nguyên liệu với diện tích cơ giới hóa khoảng 400 ha, diện tích thủ công khoảng 118 ha.

Hải Yến