Sau sự cố môi trường biển, trong suy nghĩ anh Phan Thanh Nam, thôn Trung An, xã Hải Khê, huyện Hải Lăng luôn trăn trở phải làm sao để tạo được một hoạt động sinh kế ổn định cho gia đình trên chính mảnh đất quê hương. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi của địa phương, đầu năm 2017 anh Nam đã viết đơn xin Uỷ ban nhân dân xã Hải Khê cấp 3.000 m2 đất cát bạc màu, hoang hóa ven biển để thành lập trang trại. Với quyết tâm đó anh đã động viên gia đình sử dụng tiền đền bù, đồng thời vay thêm ngân hàng và mượn thêm bạn bè, bà con để thực hiện mô hình. Với lợi thế có đất đai rộng lớn, ngoài xây dựng 2 dãy chuồng trại để nuôi lợn anh Nam còn đào ao nuôi cá.

Vì đây là một hoạt động sinh kế khá mới mẻ nên anh Nam gặp không ít khó khăn ban đầu. Biết được thông tin có 2 cán bộ sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị tăng cường về xã để hỗ trợ bà con phát triển kinh tế, anh Nam đã chủ động liên hệ nhờ sự tư vấn giúp đỡ. Ngoài ra anh còn tham gia tích cực các lớp tập huấn kỹ thuật phát triển chăn nuôi, trồng trọt mở tại địa phương. Nhờ sự nhiệt tình hướng dẫn của cán bộ tăng cường, cùng với sự chịu khó tìm tòi học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi, đến nay anh Nam đã nắm vững quy trình kỹ thuật chăn nuôi. Sau hơn 2 năm phát triển, đã tạo nên hoạt động sinh kế ổn định cho gia đình anh và có nguồn thu nhập đáng kể hàng năm. Trung bình với 8 ô chuồng trại, mỗi lứa anh thường nuôi 100 đến 120 con, mỗi năm 3 đến 4 lứa. Ngoài ra anh còn phát triển thêm các loại cá truyền thống như chép, trắm cỏ, mè, rô phi trong ao. Theo tính toán của gia đình, mô hình sinh kế trên vùng đất mới, năm 2018 đã cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Anh dự định với nguồn lãi thu được, trong năm tới anh sẽ đầu tư phát triển thêm các dãy chuồng trại để phát triển nuôi lợn nái, cung cấp nguồn giống cho gia đình. 

Khu nuôi lợn của gia đình anh Nam

 

Trao đổi v

ới chúng tôi ông Lê Thanh Minh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Khê cho biết: “Với các chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện của Uỷ ban nhân dân xã Hải khê đã giúp cho người dân từng bước phát triển sinh kế bền vững một cách phù hợp. Để bà con trên địa bàn chọn được hướng đi phù hợp, trong thời gian qua, các tổ chức đoàn thể ở xã đã tích cực phối hợp với các đơn vị mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con. Sau khi tham gia tập huấn bà con nông dân đã biết vận dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể, để triển khai chăn nuôi hay trồng trọt phù hợp với khả năng của từng gia đình.”, ông Minh nói.

Trên địa bàn xã Hải Khê không chỉ hộ anh Nam mà còn xuất hiện thêm nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả khác như trồng ném, trồng cỏ nuôi bò... Hiệu quả của các mô hình cho thấy đây là hướng đi đúng trong mục tiêu phát triển kinh tế, gia tăng các hoạt động sinh kế tạo thu nhập ổn định, từ đây đời sống và sản xuất của người dân vùng biển ngày một ổn định hơn. Việc chuyển đổi ngành nghề, tạo sinh kế bền vững cho người dân các xã ven biển chính là cơ hội để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp để làm thay đổi bộ mặt các làng quê vùng cát ven biển.

Phan Việt Toàn

Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị