Được biết, cách đây hơn 20 năm thầy Hoàng Hòe đã cất công đưa cây mắc ca từ Úc về Việt Nam phát triển nhân rộng cho đến ngày hôm nay. Bắt đầu từ những cây giống đầu tiên được đưa trồng ngẫu nhiên để đánh giá sự thích nghi tại một số tỉnh Lạng Sơn, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Vĩnh Phú, Hòa Bình, Quảng Ninh,... đến giờ đã xác định Việt Nam có hai khu vực phù hợp nhất để trồng mắc ca là Tây Bắc và Tây Nguyên cùng nhiều dòng như OC, 246, 695, 741, 800, 816, 842, 849, 900, Daddow, A16, A38, QN1… (được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận) với tổng diện tích trồng mắc ca lên đến 19 nghìn ha. Cùng chuỗi ngày dài, cây mắc ca đã phát huy hiệu quả, thể hiện là loài cây trồng nâng cao thu nhập cho người dân, doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường cho nhiều địa phương ở những vùng trồng thích nghi.
Cây mắc ca thời kỳ ra hoa
Qua sự phân tích của giáo sư Hoàng Hòe về cây mắc ca, thấy rằng với thành phố đang trong thời kỳ phát triển, kể cả Buôn Ma Thuột, cây mắc ca không dừng lại ở giá trị kinh tế mà còn là cây trồng có những giá trị cao về cảnh quan, tạo môi trường xanh đẹp của nội thành và đặc biệt là kết hợp du lịch sinh thái nông lâm nghiệp. Bởi lẽ, hoa mắc ca là loại hoa đẹp nhất trong các loại cây ăn quả, thường có màu trắng hoặc màu hồng tím (tùy giống, tùy vào giai đoạn hoa), nở từ cuối mùa đông, đặc biệt kéo dài đến giữa mùa xuân và mọc thành từng cụm, buông xõa mềm mại mong manh, đu đưa trong gió để lan tỏa hương thơm làm nức lòng những người yêu hoa. Đến thời kỳ cho quả, du khách không khỏi tò mò thích thú khi tận mắt ngắm nhìn loại quả màu xanh được trao “vương miện” hoàng hậu các loại quả, đóng mọc thành chùm dài trên cây trĩu nặng hướng xuống mặt đất. Quả hình trái đào nhưng nhỏ như hòn bi, khi chín quả chuyển từ xanh sang nâu, nếu để quả già khô trên cây, sẽ tự nứt và rụng xuống đất bên trong có chứa hạt. Hạt mắc ca bên trong có nhân chứa hàm lượng chất béo rất cao, cao hơn hẳn lạc, hạt điều, hạt hạnh nhân… Chưa kể, trong dầu mắc-ca có chứa tới 87% axit béo không no, trong đó có nhiều chất mà cơ thể con người không tự tổng hợp được. Đặc biệt đối với du khách là người yêu thích ẩm thực thì không thể không một lần muốn thưởng thức bằng mắt ngắm nhìn quả mắc ca trên cây. Có thể nói những vườn mắc ca phát triển hợp lý sẽ là địa điểm du khách tận mục sở thị, tham quan chiêm ngưỡng, khám phá, chụp ảnh…
Những vườn mắc ca sẽ là địa điểm thu hút du khách
Thời gian gần đây, sau khi dịch bệnh giảm đi, Buôn Ma Thuột đã đón nhiều lượt du khách các miền ghé thăm, hy vọng tương lai sẽ có những vườn mắc ca đẹp, giá trị cao, giúp quảng bá về một thành phố có thêm sản phẩm đặc trưng lâm nghiệp giá trị nữa. Bên cạnh đó, vườn mắc ca là nơi cư trú của nhiều loại côn trùng có ích như các loại ong, kiến vàng, bọ ngựa, chim, bọ rùa… phát triển, khống chế sâu hại, góp phần bảo vệ hệ sinh thái của khu vực nông nghiệp đô thị.
Việc kết hợp phát triển cảnh quan từ cây mắc ca cùng cây xanh đô thị gắn với bản sắc văn hóa địa phương, theo đó cân đối hài hòa các mảng xanh trên toàn khu vực đô thị, môi trường sinh thái cân bằng và kết nối du lịch, tăng thêm thu nhập… là hướng đi góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển nông nghiệp đô thị của thành phố. Tuy nhiên thực tế triển khai cũng cần căn cứ vào tuổi đời của cây mắc ca (40 – 60 năm), đặc điểm sinh thái, sinh lý của cây, kế hoạch, qui hoạch đất đai… để bố trí trồng hợp lý mới phát huy tiềm năng về giá trị của loại cây này.
Hồ Cẩm Lai
Trạm Khuyến nông TP. Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk