Trong các mô hình đã triển khai, mô hình nuôi lươn thương phẩm không bùn theo hướng an toàn thực phẩm đạt hiệu quả thiết thực, đặc biệt tại thành phố Vĩnh Long, nông dân không những duy trì mô hình mà còn mở rộng quy mô nuôi. 

Năm 2018, nhận thấy mô hình sản xuất này phù hợp để phát triển nông nghiệp đô thị, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Phòng Kinh tế, Hội Nông dân thành phố Vĩnh Long đã triển khai 5 điểm thực hiện mô hình, trong đó: phường 2 (01 điểm), phường 8 (03 điểm) và phường 9 (01 điểm). Các hộ thực hiện mô hình được hỗ trợ 2000 con lươn giống/điểm. Lươn giống hỗ trợ là con giống được sinh sản bán nhân tạo, đồng cỡ từ 12 – 15 cm/con (tương đương 200 - 300 con/kg). Các hộ dân được cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn kỹ thuật nuôi, thực hiện ghi chép nhật ký nuôi để làm cơ sở hạch toán kinh tế và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Qua thực hiện, mô hình thể hiện nhiều ưu điểm so với cách nuôi truyền thống: chi phí thấp hơn; việc quản lý, chăm sóc, theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của lươn thuận tiện hơn; môi trường nuôi tốt hơn, bệnh hại lươn ít phát sinh. Từ đó, góp phần đảm bảo tỷ lệ sống của lươn trong mô hình đạt tốt, trên 70%.

Sau 12 tháng nuôi, lươn đạt trọng lượng từ 150-300g/con. Chất lượng lươn đạt an toàn, không có kháng sinh. Với giá bán bình quân 165 nghìn đồng/kg, trừ vốn đầu tư 22 triệu đồng, tại mỗi điểm nuôi, nông dân có lợi nhuận từ 12 triệu -14 triệu đồng.

Với hiệu quả đạt được, trong năm 2019, các hộ tham gia mô hình đã xây thêm bể, mở rộng quy mô nuôi. Hội Nông dân phường 8 đã giới thiệu cho nhiều nông dân trong phường được vay vốn để thực hiện mô hình.

Để các hộ nuôi mới nắm vững kỹ thuật, đồng thời tiến tới lập tổ sản xuất nuôi đối tượng thủy đặc sản có giá trị kinh tế này, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long sẽ tổ chức lớp đào tạo nghề nuôi lươn thâm canh không bùn theo hướng an toàn thực phẩm nhằm giúp người dân địa phương phát triển kinh tế gia đình khi quỹ đất ngày cành đô thị hóa.   

Kim Huệ

Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long