Năm 2018, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái xây dựng mô hình “Sản xuất chè an toàn năm 2018” thuộc Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất chè an toàn nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2017 - 2019”.

Mô hình được triển khai tại xã Bảo Hưng - huyện Trấn Yên có diện tích 30 ha với sự tham gia của 30 hộ dân. Năm 2018, tuy thời tiết có nhiều diễn biến không thuận lợi, mưa lớn kéo dài xảy ra trên diện rộng đã làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây chè nhưng do được cán bộ hướng dẫn bà con đã làm tốt việc xới xáo, khơi thông dòng chảy không để đất ngập úng nên cây chè sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất cao, đạt với yêu cầu của đề án đặt ra.

Tham gia mô hình sản xuất chè an toàn, bước đầu các hộ dân đã có những thay đổi về phương thức sản xuất: các hộ dân được hướng dẫn thu hái chè búp tươi bằng hình thức hái tay để nâng cao chất lượng nguyên liệu. Việc thu hái đúng kỹ thuật để chưa phần lá nhiều, các búp chưa đến tuổi hái không bị tận thu nên thời gian các lứa hái được rút ngắn. Nhiều hộ đã tự đầu tư máy sao sấy mini, máy hút chân không đóng gói sản phẩm đã góp phần nâng cao uy tín, từ đó tăng thu nhập cho các hộ.

Ông Phạm Ngọc Uý, thôn Trực Thanh, xã Bảo Hưng là một trong những hộ trồng chè lâu năm, với hơn 8.000 m2 chè của gia đình. Trước đây khi áp dụng hình thức canh tác và sản xuất chè theo phương thức truyền thông, năng suất chè của gia đình ông không cao, thêm vào đó, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học chưa hợp lý nên không những ảnh hưởng đến chất lượng chè thành phẩm mà còn ảnh hưởng đến môi trường. Tham gia vào mô hình, ông được cán bộ kỹ thuật cấp phát thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học và hướng dẫn sử dụng đúng cách nên không những giúp nâng cao chất lượng chè, người dân cũng yên tâm hơn về sức khỏe lao động, từ đó giá chè tươi của các hộ tham gia mô hình cao hơn so với diện tích chè ngoài mô hình. Ông Úy chia sẻ thêm: “ Nếu như trước kia diện tích chè của gia đình tôi chỉ thu được khoảng hơn 1 tấn chè tươi/lứa nhưng hiện nay thì gia đình tôi trung bình hái được khoảng 1,2 tấn/lứa. Mỗi năm gia đình tôi hái được 7 lứa với giá bán chè khô tại nhà trung bình khoảng 160.000 đồng/kg cũng cho thu nhập hơn 250 triệu”.

Anh Hà Văn Đông, thôn Trực Thanh - xã Bảo Hưng - huyện Trấn Yên, một trong những hộ tham gia mô hình chia sẻ: “Trước đây, chúng tôi làm chè quen rồi, cứ thời kì nào hái là hái, bón phân là bón, chè bị bệnh thì phun thuốc. Tham gia mô hình được cán bộ hướng dẫn lập sổ sách ghi chép nhật ký sản xuất thấy có nhiều cái lợi. Không những theo dõi được tình hình sâu bệnh hại, các loại thuốc sử dụng… qua đó biết được loại thuốc nào sử dụng hiệu quả hơn mà không hại người. Người trồng cũng yên tâm về sức khỏe mà người tiêu dùng cũng không phải lo lắng đến chất lượng chè”.

Thăm mô hình sản xuất chè an toàn tại xã Bảo Hưng

Không chỉ hướng dẫn các hộ trong việc sản xuất chè an toàn, bền vững, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với Hợp tác xã sản xuất chè xanh chất lượng cao xã Bảo Hưng thành lập 2 tổ liên kết sản xuất đứng ra thu mua toàn bộ nguyên liệu chè búp tươi của xã viên với giá cao hơn thị trường. Anh Trần Văn Trường - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX chè xanh chất lượng cao Bảo Hưng cho biết: "Vào thời điểm chính vụ, HTX sản xuất gần 2 tấn chè tươi mỗi ngày, cung cấp ra thị trường khoảng 4 tạ chè khô thành phẩm, tạo việc làm cho nhiều lao động. Đây chính là kết quả của sự liên kết của các hộ thành viên trồng chè và sự nỗ lực không ngừng của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu sạch gắn với sản xuất, chế biến”.

Từ thực tế cho thấy, việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất chè an toàn là hướng đi đúng đắn, không những đem đến cho người tiêu dùng sản phẩm chè sạch, chất lượng cao mà còn liên kết được các hộ dân trong việc sản xuất và chế biến chè, dần hướng tới mô hình liên kết sản xuất chè theo chuỗi giá trị. Tuy nhiên, để mô hình còn tiếp tục phát triển và mở rộng sau khi có sự đầu tư của nhà nước, thì ngành nông nghiệp cũng cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền cũng như cần có những cơ chế chích sách, hỗ trợ đúng đắn để người dân tiếp tục yên tâm sản xuất.

Nguyễn Thị Minh Phượng

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái