Mô hình ứng dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến – SRI tại xã Yên Nhuận được ứng dụng trên quy mô 29,5ha tại 5 khu đồng thuộc 9 thôn với 157 hộ tham gia. Nếu như những vụ trước, quá trình canh tác của người dân theo thói quen truyền thống cấy mạ già, cấy mật độ dày, để nước sâu làm giảm khả năng đẻ nhánh của cây lúa và tiềm ẩn sâu bệnh hại thì cấy lúa theo SRI (trên cơ sở 5 nguyên tắc: cấy mạ khỏe, mạ non, cấy mật độ thưa, làm cỏ kết hợp sục bùn, tưới và rút nước xen kẽ, tăng cường sử dụng phân hữu cơ) đã cho thấy những hiệu quả hơn hẳn, đặc biệt là giảm sâu bệnh hại trên cây lúa. Trên cơ sở thu hoạch điểm diện tích lúa theo phương pháp SRI và phương pháp truyền thống, đánh giá tổng kết mô hình cho thấy, người dân giảm chi phí đầu tư cho cây lúa hơn 4 triệu đồng/ha, năng suất lúa tăng 6 tạ/ha.


Chia sẻ với chúng tôi, bà Ma Thị Hân - thôn Bản Lanh, xã Yên Nhuận, huyện Chợ Đồn cho biết: “Sau khi được tập huấn về kỹ thuật canh tác lúa cải tiến, thấy kỹ thuật đơn giản mà đem lại năng suất cao nên gia đình đã mạnh dạn đăng ký hết diện tích là 6.500m2 tham gia mô hình. Trước đây phải sử dụng từ 30-32kg lúa giống để cấy cho diện tích trên nhưng vụ này làm theo SRI, chỉ phải gieo 18 kg lúa giống (tiết kiệm được 12-14 kg/vụ)”.

Còn ông Trần Văn Long – thôn Bản Noỏng hồ hởi chia sẻ: “Đối với giống lúa Bao thai thì  yếu tố lớn nhất ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng chính là cây lúa bị đổ ở cuối vụ. Vụ này cấy theo kỹ thuật SRI, mặc dù bông lúa dài hơn, nhiều hạt hơn nhưng lúa lại không bị đổ, nhìn cả cánh đồng lúa trĩu bông, vàng rực bà con ai cũng thấy vui”.

Phát biểu tại hội thảo tổng kết mô hình, ông Lý Văn Mười - Chủ tịch UBND xã Yên Nhuận khẳng định: “Kỹ thuật SRI đơn giản, dễ làm, phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương. UBND xã sẽ tiếp tục chỉ đạo để nhân rộng mô hình ngay từ vụ xuân 2017 bởi vì SRI làm ít mà được nhiều!”

Có thể khẳng định rằng mô hình canh tác lúa cải tiến áp dụng SRI không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn đem lại hiệu quả xã hội rõ rệt từ việc giảm tác hại đối với môi trường, đất đai khi hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nước, cùng với đó là sự đồng tình ủng hộ của chính quyền và bà con nông dân, đây là cơ sở tin rằng mô hình ứng dụng kỹ thuật cải tiến sẽ được nhân rộng trong thời gian tới./.

Ma Thế Sơn

Trung tâm KNKL Bắc Kạn