Khu vực miền núi phía Bắc (MNPB) bao gồm 14 tỉnh, dân số gần 12 triệu người với trên 30 dân tộc cùng sinh sống. Đây là khu vực có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của cả nước; có vai trò quyết định với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ; có tiềm năng, lợi thế về nông, lâm nghiệp, thủy điện, khoáng sản, du lịch và kinh tế cửa khẩu.

Tuy nhiên khu vực MNPB cũng là khu vực có địa hình tự nhiên rất phức tạp, kết cấu hạ tầng kỹ thuật còn yếu kém, kinh tế xã hội chậm phát triển. Vì vậy, sau 9 năm triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng Nông thôn mới  (NTM), kết quả đạt được của các địa phương trong khu vực vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức so với các vùng khác trong cả nước.

Ngày 03/8/2019, tại tỉnh Hòa Bình, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG giai đoạn 2016 - 2020 đã tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng (NTM) khu vực miền núi phía Bắc giai đoạn 2010-2020. Đây cũng là hội nghị cấp vùng đầu tiên của cả nước, hướng tới Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM toàn quốc dự kiến tổ chức vào tháng 12/2019.

Toàn cảnh Hội nghị

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có các đồng chí: Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường; Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung; Lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; Lãnh đạo UBND các tỉnh thuộc khu vực MNPB; Các tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng NTM.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, đến hết tháng 6/2019, khu vực đã có 603/2.280 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; Có 7/14 tỉnh đạt và vượt mục tiêu phấn đấu đến 2020 được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1865/QĐ-TTg ngày 23-11-2017; Bình quân mỗi xã đạt 12,28 tiêu chí. Cả vùng có 6 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng CP công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Một số kết quả nổi bật gồm:

-  Hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn tiếp tục được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của người dân. Toàn vùng đã xây dựng trên 28.000 km đường giao thông nông thôn; Các công trình thủy lợi và hệ thống kênh mương tiếp tục được nâng cấp; Mạng lưới điện quốc gia đã bao phủ 100% số xã trong khu vực.

-  Kinh tế nông thôn có chuyển biến tích cực theo định hướng cơ cấu lại sản xuất. Hướng đi sản xuất nông nghiệp từng bước hình thành rõ nét, khai thác được các thế mạnh, lợi thế của vùng, đưa vùng dần trở thành trung tâm cây ăn trái của cả nước. Các địa phương chú trọng phát triển các giống cây, con đặc sản; xúc tiến đầu tư phát triển các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Sau hơn 1 năm triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm –OCOP”, đến nay đã có 10/14 tỉnh phê duyệt Đề án Chương trình với tổng số sản phẩm dự kiến được chuẩn hóa vào năm 2020 là 577 sản phẩm. Các loại hình tổ chức sản xuất được đổi mới phù hợp, hiệu quả hơn; kinh tế hộ tiếp tục được hỗ trợ và tổ chức theo quy mô lớn hơn, dần thích nghi với cơ chế thị trường. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn các tỉnh MNPB năm 2018 ước khoảng 28 triệu đồng.

Nhiều sản phẩm của Chương trình OCOP được trưng bày tại Hội nghị

-  Công tác bảo vệ môi trường nông thôn đã có bước đột phá lớn, chuyển đổi ý thức của người dân. Hầu hết người dân có khu chăn nuôi, vệ sinh riêng biệt; Có mô hình xử lý chất thải chăn nuôi; Nhiều xã đã hình thành các tổ, đội thu gom rác thải sinh hoạt; Người dân tham gia cải tạo cảnh quan môi trường sống, trồng cây xanh; Một số địa phương đã đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

-  Chất lượng đời sống, văn hóa tinh thần của người dân trong khu vực ngày càng được nâng cao.

-  Vai trò của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng MTM được phát huy, nâng cao. An ninh trật tự của các địa phương MNPB cơ bản ổn định.

Phong trào “cả nước chung sức xây dựng MTM” đã thực sự trở thành phong trào ý nghĩa, có sức lan tỏa sâu rộng, được người dân đồng tình hưởng ứng. Đạt được những thành công trên là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tại mỗi địa phương, đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của lãnh đạo các cấp. Các đề án đặc thù đã góp phần hỗ trợ địa phương thúc đẩy NTM của vùng, đặc biệt đã xác định được giải pháp cốt lõi để thúc đẩy xây dựng NTM ở các địa phương MNPB là hỗ trợ xây dựng NTM cấp thôn, bản và phát triển du lịch nông thôn cùng trải nghiệm du lịch. Qua việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM, tinh thần tự lực của một số tỉnh được nâng lên rõ rệt, khơi dậy những tiềm năng sẵn có. Việc những địa phương khó khăn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cấp huyện có sức lan tỏa rất lớn và tạo động lực phấn đấu trong tỉnh và toàn vùng. Điều này thể hiện nông thôn mới hoàn toàn có thể thành công trên diện rộng ở vùng khó khăn, chứ không chỉ tập trung vào một hay vài xã có điều kiện ưu đãi hơn.

Phó Thủ tướng CP Vương Đình Huệ tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm của Chương trình OCOP

Tuy nhiên khu vực MNPB có nhiều địa phương còn khó khăn, đặc biệt là các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới nên nhìn chung kết quả xây dựng NTM còn khoảng cách chênh lệch khá lớn, có xu hướng nới rộng khoảng cách so với các vùng, miền khác của cả nước. Toàn khu vực vẫn còn khoảng 828 xã đạt dưới 10 tiêu chí (chiếm 61,3% của cả nước).

Nhu cầu xây dựng nông thôn mới của các tỉnh MNPB là rất lớn, đặc biệt là cơ sở hạ tầng nhưng khả năng huy động nguồn lực còn rất hạn chế. Các địa phương mới quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng mà chưa chú trọng bố trí nguồn lực tương xứng cho các lĩnh vực trọng yếu khác. Năng lực của bộ phận cán bộ cơ sở, nhất là ở xã miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số còn yếu. Tác động của thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp đã gây thiệt hại về tài sản, con người và ảnh hưởng nặng nề đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân, qua đó, đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc duy trì các tiêu chí về hạ tầng kinh tế - xã hội, thu nhập, hộ nghèo, môi trường....

Giai đoạn 2021- 2025, Ban chỉ đạo TƯ đề ra mục tiêu: có ít nhất 1 tỉnh trong vùng được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 100% các tỉnh có ít nhất 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Trong đó, khuyến khích các huyện đã được công nhận trong giai đoạn 2016-2020 tiếp tục phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu; 56% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 80% số thôn, bản thuộc phạm vi Đề án 1385 được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 90% số thôn, bản thuộc các xã khác trên địa bàn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo các tiêu chí thôn nông thôn mới do các địa phương quy định; thu nhập bình quân tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.

Phó Thủ tướng CP Vương Đình Huệ đánh giá cao kết quả của Chương trình MTQG xây dựng NTM tại khu vực MNPB

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã đánh giá cao những kết quả mà các tỉnh MNPB đạt được trong 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM. Phó Thủ tướng nhấn mạnh đây là vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn so với cả nước, đa số là dân tộc thiểu số, địa hình chia cắt. Tuy nhiên, các tỉnh trong khu vực đã vượt khó và đạt được nhiều thành công trong xây dựng NTM nhờ những mô hình mới, cách làm hay, sự chỉ đạo sát sao và sáng tạo của lãnh đạo và nhân dân địa phương. Các tỉnh MNPB đã làm được thì không có lý do gì để các địa phương khác không làm được và không thành công. Đây là vùng “phên dậu” của cả nước, thành tựu xây dựng NTM của vùng có ý nghĩa chiến lược, rất quan trọng. Những kinh nghiệm triển khai của các địa phương là cơ sở quan trọng để Trung ương tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống khung khổ pháp lý của Chương trình, nhất là việc lồng ghép được các cơ chế, chính sách hỗ trợ của các chương trình mục tiêu quốc gia với các nguồn lực khác, tập trung đầu tư cho các tỉnh khu vực MNPB.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành trung ương và các địa phương nghiên cứu, xem xét Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM (19 tiêu chí) đã thực sự phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương chưa, đồng thời tiến hành xây dựng Bộ tiêu chí quốc gia về NTM kiểu mẫu cấp quốc gia, cấp huyện, xã, thôn, bản. Cần xem xét phân bổ các nguồn lực dành cho xây dựng MNT, trong đó chú trọng cơ chế đặc thù cho vùng khó khăn, chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục phát huy Chương trình “Mỗi xã Một sản phẩm – OCOP”. Chú trọng nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, tăng tường liênkết trong sản xuất. Bảo tồn và phát huy sự đa dạng về văn hóa của các dân tộc. Tiếp tục kiện toàn bộ máy điều hành từ trung ương đến địa phương. Thực hiện công tác tôn vinh, khen thưởng những tấm gương điển hình trong công cuộc xây dựng MTN.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương tập trung toàn lực để Chương trình xây dựng MTM đạt kết quả tốt nhất trong năm 2020, rút ra bài học kinh nghiệm cho toàn vùng, nhìn nhận những vấn đề cần khắc phục trong thời gian tới để thúc đẩy quá trình xây dựng NTM vùng MNPB bền vững và theo kịp tiến trình của cả nước.

Thu Hằng