Trải qua nhiều biến cố thăng trầm, nước mắm Nam Ô vẫn còn lưu giữ nguyện vẹn hương vị, sự tinh túy từ tâm huyết, niềm đam mê và linh hồn của người dân bản xứ. Ngày nay, cùng với những biến động của xu thế thị trường, công nghệ, thị hiếu người tiêu dùng, vấn đề an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường…thì việc vừa bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của sản phẩm nước mắm Nam Ô vừa đảm bảo nâng cao năng suất, giảm giá thành, nâng cao giá trị của sản phẩm thì việc nghiên cứu, đưa ra các định hướng, giải pháp cho triển làng nghề nước mắm Nam Ô là rất cần thiết.

 

Trong thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng đã tham mưu UBND thành phố triển khai các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ phát triển làng nghề nói chung, làng nghề nước mắm Nam Ô nói riêng. Bên cạnh việc hỗ trợ kinh phí để đầu tư, nâng cấp mẫu mã, bao bì sản phẩm, hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại… thì công tác tham mưu chính sách, giải pháp nhằm thu hút, huy động các nguồn lực cho đầu tư bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống luôn được lãnh đạo Sở quan tâm, chỉ đạo. Theo đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND trình HĐND thành phố Thông qua Nghị quyết số 329/2020/NQ-HĐND về một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và Nghị quyết số 88/2023/NQ-HĐND ngày 14/12/2023 của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 329/2020/NQ-HĐND, trong đó có các nội dung hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn; tham mưu UBND thành phố ban hành Quyết định số 2276/QĐ-UBND ngày 22/5/2019 phê duyệt Đề án “Chương trình Mỗi xã một sản phẩm” thành phố Đà Nẵng đến năm 2030;  Kế hoạch số số 217/KH-UBND ngày 27 tháng 11 năm 2023 của UBND thành phố Đà Nẵng về Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

 

Cùng với tâm huyết của người dân Nam Ô, sự quan tâm phối hợp của các sở, ngành, chính quyền địa phương, trong những năm gần đây sản phẩm nước mắm Nam Ô đã dần được người tiêu dùng quan tâm, lựa chọn; làng nghề nước mắm Nam Ô và câu chuyện về quá trình hình thành nghề, làng nghề đã trở thành những sản phẩm tinh thần không chỉ phục vụ hoạt động du lịch, trải nghiệm mà còn góp phần giáo dục truyền thống, tình yêu quê hương, yêu lao động cho thế hệ trẻ thành phố. Điều này đã góp phần bảo tồn, phát triển làng nghề, tiếp tục phát huy giá trị truyền thống của làng nghề. Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận trên, việc bảo tồn, phát triển làng nghề nước mắm Nam Ô cũng còn nhiều khó khăn, trở ngại như khả năng phát triển thị trường, sự cạnh tranh về giá thành của các sản phẩm nước chấm công nghiệp, vấn đề bảo vệ môi trường, mặt bằng phục vụ sản xuất và trưng bày sản phẩm, việc thu hút lao động trẻ, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật…

leftcenterrightdel
Nhiều giải pháp để bảo tồn làng nghề nước mắm Nam Ô gắn với phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng 

 

Tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án “Bảo tồn làng nghề nước mắm Nam Ô gắn với phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng” vào 01 tháng 10 năm 2024, Sở Nông nghiệp và PTNT đã đề xuất một số giải pháp về định hướng và chính sách đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị của sản phẩm nước mắm Nam Ô nói riêng và khôi phục phát triển các làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố, nhằm phát huy được ưu thế về tiềm năng, lợi thế của địa phương và hạn chế các tồn tại, thách thức do xu thế phát triển như đã nêu trên. Các định hướng và giải pháp được đề xuất tại Hội nghị bao gồm:

 

Thứ nhất, về định hướng trong thời gian tới, việc phát triển làng nghề ở thành phố Đà Nẵng ngoài mục tiêu giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động tại địa phương, cần tập trung ưu tiên phát triển các làng nghề đảm bảo môi trường, gắn phát triển ngành nghề nông thôn với du lịch sinh thái; Phát triển làng nghề nông nghiệp, nông thôn trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên của thành phố và góp phần phát triển du lịch, dịch vụ gắn mới môi trường sinh thái; Thực hiện giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân nông thôn. Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; Ưu tiên lựa chọn nghề, làng nghề gắn với vị trí và các khu du lịch, phát triển du lịch sinh thái làng nghề gắn với thực hiện Chương trình Quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm”.

 

Thứ hai, về giải pháp để thực hiện có hiệu quả định hướng nêu trên, trong thời gian tới, thành phố cần tập trung thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp, chính sách sau: Tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng, khoa học công nghệ, tín dụng, xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu… do Trung ương và thành phố ban hành; Tăng cường công tác quản lý các làng nghề, nhãn hiệu tập thể để đảm bảo sự thống nhất về tiêu chuẩn, chất lượng giữa các hộ sản xuất nhằm đảm bảo uy tín thương hiệu sản phẩm; Xây dựng phương thức tổ chức sản xuất hợp lý, xây dựng mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh việc chỉnh trang, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, xử lý môi trường cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người sản xuất; đào tạo cho người sản xuất các kỹ năng liên quan đến công tác thị trường; Thông qua các hoạt động xúc tiến du lịch, xây dựng và hình thành các sản phẩm du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái; gắn phát triển du lịch với bảo tồn làng nghề truyền thống; Tiếp tục phát huy tốt các hoạt động giáo dục địa phương, giáo dục văn hóa, trải nghiệm để bồi dưỡng, truyền tải những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương cho thế hệ trẻ; thông qua đó giáo dục về lòng yêu nước, tự hào dân tộc, ý thức bảo vệ môi trường và trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống; Tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người sản xuất cũng như niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm.

 

Việc bảo tồn và phát triển làng nghề nước mắm Nam Ô không chỉ là trách nhiệm của các hộ sản xuất mà còn là trách nhiệm của chính quyền và cộng đồng. Việc định hướng, hoạch định chính sách hợp lý, hỗ trợ kỹ thuật và quảng bá sản phẩm một cách hiệu quả sẽ giúp làng nghề nước mắm Nam Ô không chỉ duy trì được những giá trị truyền thống mà còn phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Với sự hỗ trợ từ các bên liên quan, nước mắm Nam Ô sẽ tiếp tục khẳng định vị thế của mình trên thị trường và trở thành một trong những sản phẩm đặc trưng của Đà Nẵng.

Hồng Hậu

Trung tâm Khuyến ngư nông lâm TP Đà Nẵng