Trong hai ngày 03-04/10/2024, Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh đã phối hợp với Trường Đại học Xã hội và Nhân văn tổ chức lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ tham gia quản lý điều hành chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị" với sự tham gia của 15 học viên, bao gồm cán bộ khuyến nông, cán bộ phụ trách sản phẩm OCOP từ các huyện và đại diện của một số doanh nghiệp, hợp tác xã có sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.

 

Chương trình OCOP và việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm địa phương mà còn giúp gia tăng thu nhập cho người nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững. Tuy nhiên, tỉnh Tây Ninh đang gặp một số khó khăn trong việc phát triển sản phẩm theo Chương trình OCOP và hình thành các chuỗi liên kết sản xuất. Quy trình sản xuất, chế biến và bảo quản tại địa phương còn chưa đồng bộ, gây hạn chế cho việc nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó nguồn nhân lực quản lý, kỹ thuật còn chưa đáp ứng được yêu cầu về phát triển sản phẩm OCOP đạt chuẩn và bền vững. Do đó, Trung tâm Khuyến nông đã tổ chức lớp tập huấn nhằm trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho các cán bộ quản lý trong việc thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP và chuỗi liên kết sản xuất.

leftcenterrightdel
Giảng viên truyền đạt các kiến thức trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức và thực hiện các hoạt động liên quan đến OCOP

 

Qua hai ngày tập huấn, các học viên đã được Tiến sĩ Ngô Thị Thu Trang và Nghiên cứu viên Nguyễn Mạnh Tiến – Giảng viên Trung tâm Phát triển nông thôn Saemaul Undong trực thuộc trường Đại học Xã hội và Nhân văn chia sẻ các bước cần thiết trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức và thực hiện các hoạt động liên quan đến OCOP. Giảng viên cũng giải thích chi tiết về quy trình đánh giá và chứng nhận; các tiêu chí, để sản phẩm OCOP được công nhận. Ngoài ra, các học viên và giảng viên đã trao đổi các vấn đề đã và sẽ có thể gặp phải trong quá trình chứng nhận sản phẩm, từ đó cùng nhau thảo luận và tìm ra các giải pháp khả thi. Bên cạnh đó, các giảng viên cũng chia sẻ thêm về việc xây dựng liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị và nhấn mạnh việc hình thành chuỗi liên kết không chỉ giúp tăng cường sản xuất mà còn tạo ra những sản phẩm có giá trị cao hơn cho thị trường.

 

Lớp tập huấn diễn ra trong bầu không khí sôi nổi với sự tham gia tích cực của giảng viên và các học viên. Ngoài việc lắng nghe giảng viên chia sẻ, các học viên còn được tham gia vào các hoạt động tương tác như thảo luận nhóm, bài tập thực hành và các bài kiểm tra nhỏ dưới hình thức trắc nghiệm. Những hoạt động này giúp học viên hiểu rõ hơn về nội dung bài học, đồng thời tạo cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm và ý tưởng với nhau.

leftcenterrightdel
Học viên thảo luận nhóm 

 

Lớp tập huấn không chỉ cung cấp kiến thức chuyên sâu giúp các học viên cảm thấy tự tin hơn trong việc quản lý và điều hành chương trình OCOP tại địa phương mà còn tạo ra cơ hội giao lưu học hỏi, kết nối giữa các cán bộ khuyến nông, cán bộ quản lý OCOP, doanh nghiệp và hợp tác xã. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao năng lực quản lý và phát triển sản phẩm OCOP tại Tây Ninh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế nông thôn bền vững và cải thiện đời sống của người dân trong tương lai.

Phạm Quốc Huy

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh