Trong từng thời kỳ, khuyến nông Lào Cai luôn bám sát định hướng chỉ đạo của UBND tỉnh. Cùng với sự phối kết hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, chính quyền địa phương, hệ thống khuyến nông đã không ngừng lớn mạnh cả về tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động. Đến nay toàn tỉnh có gần 230 cán bộ khuyến nông chuyên trách được tăng cường tới các xã, thị trấn trong toàn tỉnh và trên 500 cộng tác viên khuyến nông thôn bản ở 3 huyện đặc biệt khó khăn. Đội ngũ cán bộ khuyến nông thường xuyên bám sát cơ sở, thông thạo địa bàn, am hiểu tập quán, gắn bó mật thiết với nông dân, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất cũng như khắc phục các khó khăn do thiên tai, dịch bệnh.

Trong công tác xóa đói giảm nghèo, khuyến nông Lào Cai đã có những đóng góp tích cực, giúp thay đổi tư duy sản xuất của người dân, tăng quyền năng kinh tế cho người phụ nữ. Nhiều mô hình, dự án được chính quyền cơ sở và người dân áp dụng lan tỏa và nhân rộng.

- Chương trình phát triển chuỗi gia vị đã có trên 6.000 hộ nông dân tại 66 xã được hưởng lợi, trong đó hơn 4.000 hộ tăng thu nhập từ 15-20%, gần 3.000 ha trồng cây gia vị (quế) được bảo vệ tốt hơn. Điển hình, người dân xã Nậm Đét từ việc chỉ biết trồng và bán quế thô đã thay đổi sang trồng, sơ chế, chế biến nên thu nhập tăng lên.

- Thông qua chuỗi giá trị chè đã hỗ trợ trên 3.000 hộ nông dân, trong đó trên 50% là nữ giới thay đổi nhận thức và nâng cao năng lực về sản xuất chè theo hướng VietGAP. Chỉ từ 35 ha trồng chè áp dụng VietGAP do dự án hỗ trợ xây dựng, đến nay đã mở rộng vùng chè hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP trên 1000 ha, góp phần tăng thu nhập cho người trồng chè từ 8 -10%.

- Ý tưởng khởi nghiệp làm xúc xích của 2 tổ nhóm phụ nữ chăn nuôi lợn thôn Nậm Trì Trong và tổ nhóm Khởi Bung xã Nậm Đét với sự hỗ trợ kỹ thuật chế biến xúc xích, tiếp cận thị trường, đánh giá phân tích chất lượng sản phẩm… của Trung tâm Khuyến nông Lào Cai đã mang lại hiệu quả cao. Hiện sản phẩm đã có tem truy suất nguồn gốc, được khách hàng rất ưa chuộng. Hiện nay bình quân mỗi hộ sản xuất 18-22 kg thịt/ngày, tương đương với 23-28 kg xúc xích/ngày, sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó. Thị trường tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Lào Cai và một số tỉnh khác như Hải Phòng, Hải Dương và Hà Nội.

- Mô hình ứng dụng quy trình canh tác lúa cải tiến SRI tại xã Tả Phời, thành phố Lào Cai hay mô hình nhân giống hoa địa lan bản địa (Kiếm mộng trần) đã góp phần quan trọng trong nhân rộng vùng sản xuất hàng hóa và tăng thu nhập bền vững cho nông dân xã Tả Phìn nói riêng và huyện Sa Pa nói chung.

- Mô hình hỗ trợ Tổ nhóm nông dân dịch vụ cơ giới hóa khâu thu hái chè ở Bảo Yên.

- Mô hình Tổ hợp tác/HTX Dịch vụ cơ giới hóa trong khâu làm đất hoặc thu hoạch sản phẩm nông nghiệp để giảm chi phí công lao động, nhất là lúc thời vụ, đồng thời tăng hiệu quả sản xuất – đã được đẩy mạnh tại các vùng sản xuất hàng hóa tập trung ở xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng.

- Mô hình trồng thâm canh lạc địa phương áp dụng biện pháp che phủ nilon theo hướng VietGAP đã thay đổi tập quán sản xuất của các hộ nông dân xã Hoàng Thu Phố. Năng suất cao hơn 9,8 tạ/ha/vụ so với ruộng sản xuất đại trà; thu nhập đạt 55 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn so với ruộng đối chứng gần 20 triệu đồng/ha/vụ…

Khuyến nông Lào Cai luôn sát cánh, đồng hành, làm cầu nối chuyển giao kỹ thuật sản xuất mới cho nông dân, tập huấn đào tạo, xây dựng mô hình trình diễn… góp phần rất tích cực trong việc thay đổi tư duy, nhận thức, cách làm của người dân ở những vùng khó khăn và của đại bộ phận nông dân Lào Cai. Qua đó góp phần tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương, hỗ trợ đắc lực các địa phương hiện thực hóa thắng lợi các chương trình, đề án phát triển sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Lưu Hòa

Trung tâm Khuyến nông Lào Cai