Ts. Trần Văn Khởi – Q. Giám đốc TTKNQG, Ths Lê Thanh Tùng - Cục Trồng trọt và ông Cao Văn Hóa - Q. Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tiền Giang đồng chủ trì hội thảo.

Đây là hội thảo sơ kết lần thứ hai của dự án. Hội thảo sơ kết lần thứ nhất được tổ chức tại tỉnh Đồng Tháp năm 2016. Trong năm 2017, TTKNQG đã tổ chức hội nghị truyền thông về giảm lượng hạt giống gieo sạ trong sản xuất lúa tại ĐBSCL tại tỉnh Vĩnh Long.

Toàn cảnh hội thảo 

Hội thảo lần này nhằm đánh giá kết quả dự án năm 2017; Giới thiệu tới các đơn vị, địa phương, cán bộ khuyến nông và nông dân về hiệu quả của dự án năm 2017 cùng khả năng nhân rộng dự án; tăng cường trao đổi kinh nghiệm, giao lưu học hỏi giữa các đơn vị thực hiện dự án trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện để áp dụng vào địa phương trong những năm tiếp theo.

Tham dự hội thảo có khoảng 150 đại biểu là đại diện của Cục Trồng trọt, Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Đồng Tháp Mười; lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật trung tâm khuyến nông 08 tỉnh ĐBSCL và gần 100 nông dân của 03 tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Long An.

Diễn đàn đã được nghe báo cáo sơ kết kết quả thực hiện dự án năm 2017 của chủ nhiệm dự án và báo cáo kết quả thực hiện dự án tại huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang do Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang triển khai. Theo đó, năm 2017 dự án đã đạt được mục tiêu về qui mô mô hình: 60 ha/tỉnh/2 vụ. Năng suất đạt cao hơn dự kiến, đặc biệt hiệu quả kinh tế vụ hè thu cao hơn 5 triệu đồng/ha so với sản xuất đại trà.

Thăm mô hình giảm lượng hạt giống lúa gieo sạ trong sản xuất lúa vụ thu đông tại huyện Gò Công Đông thấy, lúa sinh trưởng tốt, ít bệnh, bông to, tỷ lệ hạt chắc cao. Dự kiến năng suất trên 7 tấn/ha, cao hơn năng suất lúa sản xuất theo tập quán sạ dày của nông dân địa phương. Mô hình giúp giảm chi phí sản xuất, đặc biệt giảm chi phí về bảo vệ thực vật.

Các đại biểu tham quan mô hình tại xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Đông 

Hội thảo nghe 12 ý kiến thảo luận của các đại biểu, bà con nông dân. Những ý kiến đều khẳng định tính ưu việt, hiệu quả cao của mô hình và trao đổi những kinh nghiệm để hạn chế rủi ro khi giảm lượng giống gieo sạ, giải pháp để mở rộng mô hình vào sản xuất đại trà.

Hội thảo đánh giá chung kết quả thực hiện năm 2017 đã đạt yêu cầu kế hoạch dự án đề ra. TS. Trần Văn Khởi - Quyền GĐ TTKNQG đề nghị chủ nhiệm dự án tiếp tục theo dõi kết quả mô hình tại các địa phương, đôn đốc nghiệm thu kết thúc vụ sản xuất để hoàn thiện báo cáo và hồ sơ nghiệm thu hết năm với TTKNQG theo kế hoạch. Các đơn vị thực hiện dự án là trung tâm khuyến nông các tỉnh và Trung tâm nghiên cứu Đồng Tháp Mười theo dõi sát kết quả thu hoạch tại các mô hình, chủ trì hội thảo đánh giá đầu bờ, tuyên truyền kết quả mô hình, viết báo cáo kết quả năm 2017, lưu ý thống kê kết quả lan tỏa của mô hình từ vụ hè thu năm 2016 và năm 2017. Hoàn thiện hồ sơ để quyết toán với TTKNQG tại thành phố Hồ Chí Minh theo lịch TTKNQG đã thông báo. Đề xuất kinh phí địa phương năm 2018 cho tham quan, tập huấn, xây dựng mô hình giảm lượng hạt giống lúa còn 80 kg/ha tại cơ sở khác để phát huy hiệu quả của mô hình trong dự án.

Nguyễn Nhung

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia