Để thực hiện mô hình một cách hiệu quả, những hộ tham gia được tập huấn kỹ thuật canh tác lúa SRI giảm phát thải khí nhà kính như mật độ cấy, tuổi mạ, liều lượng phân bón, thu hoạch. Trong thời gian thực hiện mô hình, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông có trách nhiệm theo dõi sự phát triển của cây lúa và cùng bà con khắc phục những sự cố có thể xảy ra trong quá trình canh tác.

Toàn cảnh lớp tập huấn

Ngoài ra Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu còn tổ chức tập huấn nhân rộng mô hình, có gần 30 nông dân trồng lúa ở các huyện Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Phước Long và Hồng Dân tham dự.Tại lớp tập huấn bà con nông dân được hướng dẫn, trao đổi một số nội dung như: cơ giới hóa và động lực dùng trong nông nghiệp, trong đó có công nghệ công cụ cầm tay, công nghệ sức kéo súc vật và công nghệ động lực cơ-điện; các công cụ và máy móc dùng trong quy trình sản xuất nông nghiệp ngoài đồng. Đặc biệt là máy phun thuốc bảo vệ cây trồng và máy cấy lúa với các chi tiết về cấu trúc, thông số, nguyên lý trong vận hành, cách sử dụng, kiểm tra, bảo dưỡng và xử lý khắc phục những sự cố có thể xảy khi sử dụng máy. Đồng thời khuyến cáo nông dân nên sử dụng một số loại máy phun thuốc, máy cấy lúa đã được dùng và đánh giá mang lại hiệu quả cao, ổn định; tham quan vận hành máy cấy trên đồng tại hợp tác xã Tiên Tiến.

Đây là mô hình thuộc dự án “Xây dựng cánh đồng lớn thâm canh và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa ở các tỉnh phía Nam” của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia năm 2018. Nhằm giúp nông dân nắm vững kỹ thuật vận hành, bảo trì máy cấy, bình phun động cơ và các biện pháp kỹ thuật thâm canh cây lúa bền vững trong điều kiện sản xuất cụ thể của địa phương, giảm được lượng lúa giống, phân bón, đồng thời tăng khả năng chống chịu sâu, bệnh của cây lúa, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngọc Oanh