Tham gia buổi tổng kết có lãnh đạo và các phòng chuyên môn của Trung tâm Khuyến nông và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao tỉnh; đại diện lãnh đạo, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Phong; Đại diện một số hợp tác xã tiêu biểu trong huyện; đại diện lãnh đạo Đảng ủy, ủy ban nhân đân xã Dũng Liệt; đại diện lãnh đạo thôn và các hộ nông dân thôn Lạc Trung.

Phân bón công nghệ nano được làm từ vật liệu nano siêu nhỏ; kích thước chỉ khoảng phần tỉ mét. Do có kích cỡ siêu nhỏ nên cùng một khối lượng vật chất thì vật liệu nano có diện tích bề mặt tiếp xúc lớn hơn hàng triệu lần và có thể xuyên qua vách tế bào một cách dễ dàng để chui vào trong các vật thể. Phân bón hữu cơ công nghệ nano là loại phân bón hữu cơ được sản xuất theo công nghệ nano kết hợp với công nghệ sinh học, có kích thước siêu nhỏ (1-100 nano met) phần lớn dùng để ngâm tẩm hạt giống, phun lên lá và tưới vào gốc như các dạng phân bón lá, bón gốc dạng lỏng.

Phân bón hữu cơ công nghệ nano giúp tăng năng suất cây trồng nhờ tăng khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng từ các chất đa vi lượng và vi sinh vật có lợi. Tác động cực mạnh ức chế sâu bệnh hại. Cải thiện chất lượng và sản lượng cây trồng góp phần tăng hiệu quả kinh tế; kích thích sinh trưởng; giúp cây chắc khỏe, phát triển xanh tốt; tăng sức chống chịu. Liều lượng sử dụng nhỏ nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả từ đó giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng giúp giảm chi phí sản xuất. Phân bón hữu cơ công nghệ nano an toàn với người sử dụng và giảm tác hại đến môi trường thiên nhiên đất, nước, sinh vật có lợi đồng thời đảm bảo đa dạng hệ sinh thái hướng tới phát triển bền vững….

Lợi dụng những đặc điểm ưu việt của công nghệ mang lại, vụ xuân năm 2022, Trung tâm Khuyến nông và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Bắc Ninh kết hợp với Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp thôn Lạc Trung, xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong xây dựng mô hình hình “Ứng dụng phân bón hữu cơ nano trong sản xuất lúa” với diện tích 20 ha trên giống RVT. Mô hình sử dụng phân bón hữu cơ sinh học Quế Lâm SH06 (bón lót và bón thúc lần 1) kết hợp với phân hữu cơ nano UPLML (phun khi lúa phân hóa đòng và sau trỗ thoát)

Mặc dù đầu vụ sản xuất gặp rất nhiều khó khăn do tình hình thời tiết bất thuận (rét đậm, rét hại kéo dài liên tục, lượng mưa ít…), giá vật tư phân bón liên tục tăng cao… nhưng được sự quan tâm của ngành nông nghiệp từ tỉnh đến cơ sở và quyết tâm của các hộ nông dân, mô hình đã bước đầu đạt được kết quả rất khả quan tại vụ xuân năm 2022.

Diện tích lúa sử dụng phân bón nano cây cứng hơn, lá dầy hơn sâu bệnh ít hơn, chi phí phân bón thấp hơn (200.000 đồng/sào) và đặc biệt là năng suất cuối vụ cao hơn (10kg/sào) so với diện tích không sử dụng phân nano. Hạch toán chi phí cho 1 sào (360m2) ở vụ xuân 2022 cho thấy mô hình sử dụng phân bón nano năng suất 200 kg/sào, chi phí là 944.000 đồng. Ruộng đối chứng năng suất đạt 190 kg/sào và tổng chi phí là 1.153.000 đồng. Giá bán hiện tại trên thị trường 10.000 đồng/kg thì lãi thuần cao hơn là 309.000 đồng/sào. Đây là thành công bước đầu được toàn thể các hộ nông dân và toàn thể hội nghị ghi nhận.

Để đánh giá chính xác hơn hiệu quả của phân bón nano, Trung tâm Khuyến nông và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Bắc Ninh cần tiếp tục mở rộng mô hình không chỉ trên nhiều giống lúa khác nhau, trên nhiều chân đất khác nhau mà còn sử dụng trên nhiều đối tượng cây trồng để không những giảm thiểu chi phí, tăng hiệu quả kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tiếp tục có những chính sách hỗ trợ để mở rộng mô hình và tiến tới sử dụng đại trà không những ở Yên Phong mà ra toàn tỉnh Bắc Ninh.

Các đại biểu tham quan mô hình

Nguyễn Văn An

Phòng Nông nghiệp & PTNT Yên Phong, Bắc Ninh