Trong năm 2019, Công ty CP Bảo vệ thực vật 1 Trung ương phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Bình Định thực hiện trình diễn sản xuất thử “Giống lúa thuần mới GBS9” trong vụ Đông Xuân và vụ Thu, tại các địa phương trong tỉnh.

Mô hình được thực hiện trên diện tích 11,5 ha với 142 hộ tham gia sản xuất. Giống đối chứng là các giống sản xuất đại trà tại các địa phương như ĐV 108, TBR1, Q5, được gieo sạ với mật độ 5 kg/sào (500 m2) theo phương pháp sạ lan; bón phân, chăm sóc theo quy trình chăm sóc lúa thuần của Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Định.

Giống lúa GBS 9  có góc lá đòng đứng, dạng hình gọn, cứng cây khá

Qua quá trình theo dõi, giống lúa GBS 9 có một số ưu điểm như sau: Thời gian sinh trưởng vụ Đông Xuân và vụ Thu  tương đương nhau, từ 102 – 104 ngày, thích hợp bố trí 2 vụ lúa/năm; cây cao trung bình 95 cm, đẻ nhánh khá (388 – 393 bông/m2) , góc lá đòng đứng, dạng hình gọn, cứng cây khá, trỗ tập trung, đóng thóc dày, tỷ lệ hạt chắc cao (102 hạt/bông); dạng hạt thon nhỏ, hạt màu tím nâu, độ thuần cao. Giống kháng được bệnh đạo ôn, bạc lá và chống chịu tốt với rầy lưng trắng và rầy nâu. Khả năng thích hợp trên nhiều chân đất khác nhau, chịu được ngập nước từ 3 – 5 ngày, chịu được phèn mặn ở mức khoảng 2‰.

Trong quá trình triển khai mô hình mặc dù gặp thời tiết bất lợi, bón phân giảm hơn so với đối chứng 5 – 10%, phun thuốc giảm 1 – 2 lần/vụ/sào nhưng giống lúa GBS9 vẫn sinh trưởng tốt, năng suất thống kê đạt khá 71,9 – 73,6 tạ/ha, cao hơn so với các giống đối chứng trung bình 1,9 tạ/ha. Lợi nhuận trong mô hình đạt 21.855.00 đồng/ha, cao hơn đối chứng 6.092.000 đồng/ha.

Qua kết quả sản xuất trên cho thấy giống lúa GBS9 thích nghi tốt trong điều kiện sinh thái tại Bình Định, phù hợp với chân ruộng 2 vụ lúa/năm tại địa phương.

Quang Thạch

Trung tâm Khuyến nông Bình Định