Năm 2023 UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Kế hoạch 4517/KH-UBND ngày 20/11/2023 về Phát triển vùng sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 với quan điểm và mục tiêu là phát triển vùng sản xuất lúa thương phẩm tập trung, chất lượng cao, xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao và lúa gạo đặc sản mang thương hiệu của tỉnh Bình Thuận ở các vùng sản xuất trọng điểm lúa Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình và Tuy Phong.
Sau hai năm thực hiện Kế hoạch, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã hoàn thành tốt một số nội dung công việc. Cụ thể đã tổ chức được 87 lớp tập huấn sản xuất lúa tiên tiến bao gồm 02 chuyên đề “Kỹ thuật sản xuất lúa theo tiêu chuẩn bền vững SRP” và “Áp dụng ghi chép nhật ký điện tử và truy xuất nguồn gốc sản xuất” với gần 2.500 lượt nông dân tham dự.
Trung tâm đã thực hiện 16 mô hình/235 ha sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc tương đương – Cánh đồng không dấu chân; trong đó, 85 ha được cấp chứng nhận VietGAP như HTX Tổng hợp nông nghiệp hữu cơ Hàm Phú (huyện Hàm Thuận Bắc), HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bắc Ruộng 1, HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Gia An và HTX Dịch vụ Nông nghiệp Đức Phú. Các mô hình đã áp dụng đồng bộ cơ giới hóa vào trong sản xuất từ khâu làm đất, gieo sạ, phun thuốc bằng máy bay không người lái và thu hoạch.
Kết quả từ các mô hình cho thấy, trong vụ mùa bà con sạ giống 100 kg/ha và năng suất trung bình trên 6,5 tấn (lúa tươi)/ha và lợi nhuận trung bình cao hơn so với bà con sạ truyền thống 500.000 đồng/ ha. Vụ Đông Xuân, sạ 120 kg/ha và năng suất trung bình trên 7,5 tấn/ ha và một số hộ chăm sóc tốt thu khoảng 1 tấn/ ha.
    |
 |
Các mô hình trình diễn một số giống lúa mới chất lượng cao đã góp phần bổ sung bộ giống lúa địa phương |
Bên cạnh đó, Trung tâm đã thực hiện 61,93 ha mô hình trình diễn một số giống lúa mới chất lượng cao tại 13 xã trọng điểm lúa của tỉnh; Qua đó bổ sung một số giống lúa mới chất lượng: VN 121, Lộc Trời 2, Lộc Trời 4, Hương Châu 6,... vào cơ cấu sản xuất của tỉnh. Kết quả ban đầu, các giống lúa cho năng suất khả quan, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương và ít bị sâu bệnh hại.
Một số hộ sau khi thực hiện mô hình đã thấy được hiệu quả của áp dụng cơ giới hóa vào trong sản xuất nên đã đầu tư trang bị cho gia đình, đồng thời kinh doanh tạo thêm nguồn thu nhập.
Ông Đặng Hùng Dũng, thôn 7, xã Nam Chính, huyện Đức Linh chia sẻ: “Trước đây, tôi thường gieo sạ 200 kg/ha, nhưng sau khi tham gia mô hình của Trung tâm Khuyến nông tỉnh áp dụng sạ cụm giảm lượng giống xuống còn 100 kg/ha và thu được 8 tấn/ha. Bản thân tôi thấy được lợi ích của máy sạ cụm không tốn công kể rãnh nước, giảm giống và thuận lợi trong việc khử lẫn. Hiện nay, tôi đã trang bị máy sạ cụm để gieo sạ trong gia đình và bà con xung quanh, giá chi phí sạ cụm cao hơn sạ lan 200.000 – 300.000 đồng/ha, tùy theo địa điểm di chuyển.”
Chia sẻ với chúng tôi, anh Trương Hoàng Linh, thôn 2, xã Sùng Nhơn cho biết: “Vụ Mùa 2024, Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện mô hình quy mô 20 ha trên địa bàn thôn. Mặc dù, không trực tiếp tham gia mô hình nhưng với cương vị trưởng thôn 2 nên bản thân tôi đã theo sát quá trình triển khai và thực hiện. Qua theo dõi, tôi thấy được hiệu quả của việc ứng dụng cơ giới hóa trong khâu gieo sạ và phun thuốc bằng máy bay không người lái. Gia đình tôi đã bàn bạc và mua 01 chiếc máy bay phun thuốc không người lái để phục vụ thêm cho gia đình vừa phục vụ cho sản xuất của gia đình, vừa có thể kinh doanh”.
Khi trao đổi với anh Đức ở thôn 4 xã Hồng Sơn được anh cho biết: “Gia đình tôi thường sản xuất giống ML48 tuy nhiên năng suất không cao, giá bán thấp và tỷ lệ sâu bệnh gây hại nhiều nên lợi nhuận không cao. Vụ Đông Xuân vừa qua, tôi sản xuất 02 loại giống VN 121 và Lộc Trời 2 với diện tích 05 ha thuộc mô hình do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai. Kết quả, giống VN 121 thu được gần 8,6 tấn/ha và Lộc Trời 2 là trên 10 tấn/ha. Ngoài việc sản xuất các giống lúa mới năng suất cao, bản thân tôi thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật như bón lót phân hữu cơ, tưới ướt khô xen kẽ, sạ thưa (120 kg/ha, trước đây gieo sạ 250 kg/ ha). Nhận thấy cây ít sâu bệnh, không đổ ngã và bộ lá đòng xanh, to, khỏe nên nuôi dưỡng hạt tốt cho năng suất cao”.
Qua gần 2 năm thực hiện, kết quả các mô hình đều được lãnh đạo địa phương, người dân đánh giá cao và hiệu quả. Đa số bà con vẫn tiếp tục sạ thưa 120 kg/ ha mặc dù không còn sự hỗ trợ của tỉnh. Năm 2025, Trung tâm Khuyến nông tiếp tục triển khai 40 lớp tập huấn, 87 ha sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc tương đương – Cánh đồng không dấu chân và 28 ha mô hình sản xuất một số giống lúa chất lượng cao.
Với sự hiệu quả tích cực từ mô hình, hy vọng trong thời gian tới được bà con trong cộng đồng nhân rộng, áp dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến trên cánh đồng lúa của mình.
Hồ Công Bình
Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận