Mô hình được triển khai trên diện tích 50 ha, giống sử dụng là giống Đài Thơm 8, Phú Quý, cấp xác nhận.

Tại hội thảo, nông dân và đại biểu tham dự cùng ra ruộng tham quan thực tế mô hình. Theo kết quả thống kê, năng suất lúa bình quân đạt 42 tạ/ha. Nhờ thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ đã đề ra, lúa hoàn toàn được bón bằng phân hữu cơ khoáng Orgagro 4-2-5; 5-6-8 và Orgagro new, quản lý sâu bệnh bằng các chế phẩm sinh học nên năng suất lúa mô hình thu được khá cao.

Nông dân tham gia mô hình trình bày những báo cáo về kỹ thuật sản xuất, tình hình sâu bệnh và hạch toán kinh tế để mọi người cùng nắm rõ. Với mức đầu tư khoảng 34.120.000 đồng/ha, tổng thu 46.200.000 đồng/ha nên lợi nhuận thu được khoảng 7.880.000 đồng/ha. Ngoài lợi ích kinh tế, mô hình sản xuất lúa hữu cơ còn đem lại hiệu quả xã hội nhất định. Đây là định hướng dần tiến tới sản xuất nông nghiệp hữu cơ, một trong những giải pháp nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng và đảm bảo an toàn. Việc sản xuất lúa cơ không sử dụng phân bón hóa học, các chất kích thích tăng trưởng, hóa chất bảo vệ thực vật tạo ra sản phẩm an toàn, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ sức khỏe con người.

Tại buổi hội thảo, bà con nông dân tham gia mô hình đều bày tỏ niềm phấn khởi vì kết quả mô hình thu được, cùng nhau chia sẻ những thuận lợi và khó khăn khi thực hiện mô hình.

Ông Lưu Đức Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh đánh giá cao kết quả mô hình đạt được, chỉ đạo tiếp tục nhân rộng mô hình áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ trong huyện vào những mùa vụ tiếp theo hướng đáp ứng với nền nông nghiệp sạch./.

Nguyễn Văn Hiến

Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận