Từ xưa đến nay, bà con sản xuất chăn nuôi lợn địa phương thường chỉ nuôi theo kinh nghiệm truyền thống, thả rông xung quanh vườn nhà, có thể nhốt trong chuồng nuôi bằng gỗ, tre, xây bằng gạch sơ sài và chăm sóc nuôi dưỡng theo hình thức tận dụng quảng canh, ít đầu tư chăm sóc nên tỷ lệ nuôi sống thấp, chậm lớn, năng suất và hiệu quả thường không cao. Công tác vệ sinh và phòng trừ dịch bệnh chưa được quan tâm chú trọng nên thường xuyên xảy ra dịch bệnh.

Việc thực hiện mô hình tiếp giúp bà con tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học, từng bước thay đổi thói quen chăn nuôi truyền thống của bà con các xã vùng sâu, vùng xa.

Mô hình chăn nuôi lợn nái sinh sản giống lợn Táp Ná theo hướng an toàn sinh học ở huyện Hà Quảng

 

Sau gần 3 năm triển khai, dự án đã hỗ trợ 198 con lợn giống lợn Hương và lợn Táp Ná sinh sản, trong đó 18 đực giống và 180 cái hậu bị cho 35 hộ dân ở thị trấn Xuân Hòa và xã Trường Hà (huyện Hà Quảng), xã Hoàng Tung (huyện Hòa An) và phường Hòa Chung (thành phố Cao Bằng). Đến nay đàn lợn nái đã đẻ được từ 01 đến 04 lứa với trên 1.500 con lợn con cai sữa.

Đàn lợn Hương sinh sản tại xã Hoàng Tung, huyện Hòa An

 

Hộ gia đình chị Hứa Thị Loan ở xóm Yên Luật thị trấn Xuân Hòa và nhiều hộ khác tại huyện Hà Quảng với quy mô được hỗ trợ ban đầu 05 con lợn nái và 01 con lợn đực giống Táp Ná. Đến nay tổng đàn lợn sinh sản của gia đình là 15 con lợn nái và 02 con lợn đực giống. Gia đình chị Loan đã xuất bán hơn 80 con lợn giống Táp Ná cho thu nhập trên 100 triệu đồng.

Đạt được kết quả trên do gia đình chị Loan đã áp dụng chặt chẽ quy trình chăn nuôi lợn an toàn sinh học nên đàn lợn luôn khỏe mạnh, tỷ lệ nuôi sống đạt 100% trong khi các hộ chăn nuôi khác trong vùng bị thiệt hại lớn do bệnh dịch tả lợn Châu Phi bùng phát. Từ thành công ban đầu, gia đình chị Loan đã đầu tư xây dựng mở rộng thêm chuồng trại kiên cố có chia các khu chăn nuôi thành khu nuôi lợn nái, khu nuôi lợn đực, khu nuôi lợn con sau khi tách mẹ. Việc phân khu vừa đảm bảo cho đàn lợn phát triển đồng đều, vừa thuận tiện trong việc chăm sóc, dọn vệ sinh. Yếu tố quan trọng là triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh; khử trùng khu vực, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, giữ nhiệt độ phù hợp nên đàn lợn sinh trưởng và phát triển tốt.

Việc thực hiện thành công mô hình nuôi lợn nái sinh sản giống lợn Hương, lợn Táp Ná là cơ sở để tỉnh Cao Bằng tiếp tục thực hiện nhân rộng việc chăn nuôi lợn giống địa phương trên địa bàn, nâng cao sinh kế cho đồng bào các dân tộc miền núi. Thông qua kết quả của mô hình sẽ góp phần cung cấp con giống đảm bảo chất lượng tại chỗ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ bên ngoài vào địa phương./.

Hải Châu

Trung tâm KN và Giống NLN Cao Bằng