Mô hình thâm canh cá rô phi đơn tính dòng Đường nghiệp triển khai tại huyện Đăk Glong, thị xã Gia Nghĩa, quy mô 2 ha. Tổng số hộ dân tham gia 20 hộ, trong đó dân tộc 5 hộ, nữ 4 hộ. Sau 6 tháng nuôi, trọng lượng cá trung bình đạt 0,55 kg/con, năng suất trung bình đạt 15,8 tấn/ha, lợi nhuận trung bình đạt 162.000.000 đồng/ha. Qua kết quả triển khai cho thấy giống cá rô phi dòng Đường nghiệp tăng trọng nhanh, kháng bệnh tốt, thích nghi với điều kiện khí hậu tại địa phương. Thông qua mô hình người dân đã nâng cao nhận thức về nuôi cá nước ngọt, tạo niềm tin và quyết tâm cho người dân để áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, đồng thời thúc đẩy phong trào phát triển nuôi cá tại địa phương; Đã làm thay đổi tập quán nuôi của người dân từ chỗ chỉ nuôi theo kinh nghiệm và lạc hậu là chính chuyển sang nuôi có kỹ thuật, từ thụ động sang chủ động tìm kiếm để áp dụng các kỹ thuật mới và nhận thấy tầm quan trọng của việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản.

Mô hình thâm canh cam quýt sử dụng hệ thống tưới tiên tiến tiết kiệm nước kết hợp bón phân được triển khai tại huyện Đăk Glong, quy mô 2 ha, 4 hộ tham gia, trong đó có nữ 01 hộ. Người dân đã vận hành toàn bộ hệ thống tưới nước và bón phân cho cây. Theo bước đầu đánh giá, hệ thống sử dụng tốt, tiết kiệm được 30% lượng nước tưới, 20% lượng phân bón, 70% nhân công lao động. Trọng lượng quả trung bình đạt 330 gram/quả, năng suất trung bình ước đạt 24 tấn/ha, lợi nhuận sau khi trừ các khoản chi phí thu về hơn 200 triệu/ha. Qua mô hình đã giúp người dân nhận thức được việc sản xuất các mặt hàng nông sản, trái cây cần phải an toàn về chất lượng, đảm bảo không có tồn dư các loại hóa chất gây độc hại cho con người bằng cách sản xuất theo hướng hữu cơ, có thời gian cách ly các loại hóa chất hợp lý. Thông qua mô hình giúp người dân quen dần với việc áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, góp phần tạo nên sản phẩm có chất lượng, nâng cao hiệu quả, giảm chi phí, giảm giá thành, tăng lợi nhuận so với cách sản xuất truyền thống. Từ việc áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật, từ sử dụng phân bón, ưu tiên sử dụng phân hữu cơ, sử dụng thuốc BVTV chủ yếu có nguồn gốc sinh học, tập trung chăm sóc cây giúp cây khỏe mạnh chống chịu tốt với môi trường, sâu bệnh hại, sử dụng nước tưới có trách nhiệm, tưới đúng lúc, đủ lượng nước cây cần, bón phân qua hệ thống tưới đã góp phần giảm hiệu ứng nhà kính thông qua bón phân, sử dụng thuốc BVTV tràn lan, tiết kiệm nhiên liệu, nước tưới, công lao động...

Mô hình thí điểm sản xuất hồ tiêu bền vững, kết hợp sử dụng than sinh học có quy mô thực hiện 4 ha, triển khai tại 4 huyện: Đắk Song, Đắk Glong, Đắk Rlấp, Cư Jút với 8 hộ tham gia. Sau 9 tháng triển khai mô hình cho thấy, vườn cây sinh trưởng phát triển tốt, hệ rễ tơ phát triển mạnh, ít có hiện tượng rụng quả, rụng lá, khả năng thoát nước cho cây hồ tiêu tốt, đất tơi xốp hơn, hệ thống vi sinh vật được cải thiện. Sau khi thu hoạch năng suất đạt 4 tấn/ha. Thông qua mô hình giúp người dân hiểu rõ về than sinh học với sản xuất, than sinh học giúp tăng cường khả năng hút và thoát nước cho đất, tránh hiện tượng đọng nước như những năm trước. Sau khi sử dụng than sinh học so sánh với diện tích đối ứng của người dân cho thấy độ tơi xốp đất được cải thiện, tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng cho cây hồ tiêu, tạo điều kiện vi sinh vật có ích hoạt động, cân bằng hệ vi sinh vật trong đất và bảo vệ môi trường sinh thái. Ngoài ra, than sinh học góp phần giúp cây sinh trưởng và phát triển khỏe, bộ tán lá xanh tốt, hạn chế nấm bệnh gây hại. Đặc biệt với việc sử dụng than sinh học kết hợp sản xuất theo hướng bền vững đã tạo ra sản phẩm an toàn, không tồn dư các hóa chất độc hại.

Mô hình thâm canh bơ theo hướng hữu cơ gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm quy mô 3 ha triển khai tại huyện Krông Nô, 3 hộ triển khai đều là hộ đồng bào dân tộc. Mô hình được người dân đánh giá cao, tỷ lệ quả đồng đều của vườn bơ đạt trên 80%, trọng lượng quả đạt từ 500-600 gram/quả, năng suất trung bình đạt 20 tấn/ha. Lợi nhuận ròng: 302.630.000 đồng/ha. Mô hình từng bước tác động, làm thay đổi tập quán sản xuất của người dân theo phương pháp truyền thống, chuyển sang sản xuất theo hướng hữu cơ có liên kết, áp dụng các biện pháp kỹ thuật để đạt hiệu quả cao hơn, mô hình có tính thuyết phục đủ điều kiện để phổ biến nhân rộng.

Mô hình từng bước giúp người dân chuyển sang sản xuất theo hướng hữu cơ có liên kết, áp dụng các biện pháp kỹ thuật

Mô hình thâm canh xoài sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước kết hợp bón phân gắn với liên kết theo chuỗi và tiêu chuẩn VietGAP triển khai tại xã Đăk Gằn, huyện Đăk Mil, quy mô 14 ha, 14 hộ tham gia. Mô hình được đánh giá cao về hiệu quả kinh tế, giúp người dân tiếp kiệm lượng nước tưới, phân bón, nhân công, nhiên liệu. Qua việc triển khai mô hình giúp thay đổi tập quán sản xuất của người dân theo phương pháp truyền thống, hiệu quả kinh tế thấp, chuyển sang sản xuất theo hướng hữu cơ, gắn với tiêu chuẩn VietGAP, vườn xoài đảm bảo không có tồn dư các loại hóa chất gây độc hại cho con người, có thời gian cách ly các loại hóa chất hợp lý. Năng suất vườn xoài đạt 18 tấn/ha, lợi nhuận đã trừ công lao động đạt 188.533.040 đồng/ha.

Mô hình phục hồi vườn tiêu bị bệnh chết chậm có quy mô 1 ha triển khai tại huyện Đắk Glong. Trung tâm đã tổ chức hội thảo tham quan đầu bờ mô hình phục hồi vườn tiêu bị bệnh chết chậm. Qua đánh giá của cuộc hội thảo cho thấy, mô hình tiêu đã phục hồi so với lúc chưa thực hiện mô hình 90%, các rễ tơ phục hồi và phát triển mạnh, chồi, cành phát triển, lá xanh, tỷ lệ răng cưa thấp, ít bị rụng chùm quả, sâu bệnh hại giảm, mức độ bị bệnh như tảo, thá thư, gây hại trên lá mật độ gây hại rất nhẹ, chưa ảnh hưởng đến sinh trưởng, năng suất vườn. Năng suất trung bình đạt 3kg/trụ.

5 hộ tham gia xây dựng và phát triển mô hình trồng xen một số loại cây ăn quả trong vườn cà phê vùng Tây Nguyên quy mô 5 ha đã được Trung tâm đã cấp giống bơ, sầu riêng và vật tư. Tỷ lệ sống của cây bơ đạt 100%, cây sầu riêng đạt  trên 95%. Mô hình giúp người dân thay đổi tập quán từ trồng thuần, không cây che bóng, chuyển sang trồng xen cây ăn quả vào các hố cây cà phê bị sâu bệnh, năng suất thấp. Việc trồng xen một số cây ăn quả trong vườn cà phê giúp người dân tăng thêm thu nhập, ổn định năng suất. Đa số người dân tham gia mô hình đều đánh giá cao, mong muốn mô hình được nhân rộng.

Để mô hình đạt được kết quả cao trong quá trình triển khai và đánh giá kết quả thực hiện để làm cơ sở nhân rộng mô hình, Trung tâm Khuyến nông kết hợp chính quyền địa phương tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo có nội dung cụ thể cho từng loại mô hình với phương pháp cầm tay chỉ việc, hướng dẫn thực hành tại đồng ruộng,… từ đó người dân tiếp thu tiến bộ kỹ thuật, học tập và ứng dụng vào sản xuất góp phần nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích.

 Công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với người dân tại các địa phương, thông qua công tác xây dựng và triển khai các mô hình trình diễn luôn được Trung tâm coi trọng hàng đầu, là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong công tác khuyến nông hàng năm. Thông qua hoạt động khuyến nông người nông dân được tiếp cận những cây, con giống mới, tiến bộ kỹ thuật tiên tiến phù hợp với xu thế phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và tỉnh Đắk Nông nói riêng.

Nguyễn Thị Thảo

Trung tâm Khuyến nông Đắk Nông