Tham dự Hội nghị có TS. Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, lãnh đạo Sở Nông nghiệp&PTNT Vĩnh Phúc, đại diện các đơn vị liên quan cùng bà con nông dân trong tỉnh.

Vụ Xuân 2020, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc thực hiện mô hình ứng dụng cơ giới hóa trên cây lúa, đặc biệt là khâu làm mạ và gieo cấy. Quy mô của mô hình là 146,5 ha, sử dụng các giống lúa: Đài Thơm 8, TBR225, VNR20, HT1, DS. Đây là mô hình nằm trong dự án "Xây dựng và phát triển mô hình ứng dụng mạ khay, máy cấy trong sản xuất lúa tại các tỉnh Trung du và ĐBSH" giai đoạn 2019-2021.

Ứng dụng cơ giới hóa giúp giảm chi phí sản xuất, hiệu quả kinh tế cao hơn

 

Mô hình áp dụng kỹ thuật làm mạ khay che phủ nilon, sử dụng máy gieo hạt và máy cấy 6 hàng. Mạ được chăm sóc trong các khay nhựa và tập trung nên cây mạ sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh hơn so với mạ thường, thời gian làm mạ rút ngắn từ 3-5 ngày, khắc phục sự phụ thuộc vào điều kiện thời tiết.

Mô hình sử dụng máy cấy 6 hàng hạn chế được hiện tượng đứt rễ, giúp cây lúa có khả năng bén rễ hồi xanh nhanh hơn so với lúa cấy bằng mạ truyền thống. Theo dõi mô hình cho thấy, số dảnh tối đa trung bình/khóm cấy máy cao hơn so với cấy tay 20%; tỷ lệ thành bông của lúa đạt 85,5%, cao hơn so với phương pháp cấy mạ truyền thống 28,5%. Các yếu tố cấu thành năng suất như số bông/m2 (225,6 bông), tỷ lệ hạt chắc (84,9%) đều cao hơn so với cấy tay thông thường, vì vậy năng suất lúa cấy máy cao hơn so với cấy tay 13,8%. Ngoài ra, lúa cấy máy cứng cây, quần thể ruộng thông thoáng, giúp hạn chế sự gây hại của các đối tượng sâu bệnh.

Việc đưa cơ giới hóa đồng bộ vào gieo cấy lúa giúp giảm 30% lượng hạt giống so với cây truyền thống, giảm từ 1-2 lần phun thuốc BVTV, giảm chi phí cấy và chi phí chăm sóc. Năng suất lúa cấy máy cao hơn so với cấy tay nên hiệu quả kinh tế tăng hơn 7,7 triệu đồng/ha. Bên cạnh hiệu quả kinh tế, việc ứng dụng cơ giới hóa giúp giảm áp lực lao động, nhất là lao động thời vụ.

Các đại biểu tham quan mô hình sản xuất giống lúa chất lượng ADI28

 

Cũng trong vụ Xuân 2020, Trung tâm Giống nông nghiệp Vĩnh Phúc phối hợp với Công ty CP Đầu tư phát triển nông nghiệp ADI xây dựng mô hình sản xuất giống lúa chất lượng ADI28 quy mô 10 ha tại HTX Yên Thư, xã Yên Phương, huyện Yên Lạc. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% giống. Qua theo dõi, giống lúa ADI28 sinh trưởng phát triển tốt, đẻ nhánh khá, khả năng chống đổ tốt, thích ứng rộng, năng suất dự kiến đạt 69 tạ/ha, cao hơn giống đối chứng là Hương thơm 1 là 12 tạ/ha. Hạch toán sơ bộ cho thấy cấy giống lúa ADI28 cho hiệu quả kinh tế cao hơn đối chứng 10,2 triệu đồng/ha. Việc thực hiện mô hình giúp tìm ra giống lúa mới có năng suất, chất lượng vào sản xuất, thay thế các giống lúa thuần cũ kém chất lượng; đồng thời hạn chế tình trạng bỏ ruộng hoang, nâng cao thu nhập cho hộ nông dân. Qua đó được người dân  đồng tình đón nhận, góp phần nâng cao hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

TS Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại Hội nghị
 

Tại Hội nghị, TS Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, tỷ lệ ứng dụng cơ giới hóa của Vĩnh Phúc trong khâu gieo cấy lúa mới đạt 25%. Vì vậy, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng, nhân rộng các tiến bộ kỹ thuật trong cơ giới hóa vào sản xuất; chính quyền địa phương phải tạo được sự đồng thuận của người dân, đặc biệt trong công tác dồn điền đổi thửa để thuận tiện cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Ngoài ra, khâu tổ chức dịch vụ, vấn đề vốn cũng rất quan trọng để góp phần thực hiện cơ giới hóa thành công.

Hoa Trà