Cơ cấu giống lúa hiện nay của xã chủ yếu là sử dụng các nếp địa phương và giống khác. Trình độ thâm canh, sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất còn nhiều hạn chế.  Các hộ gia đình trên địa bàn xã sống phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp là chính, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Do đó việc chuyển giao kỹ thuật, đưa tiến bộ KHKT mới vào sản xuất là nhu cầu cần thiết.

Xuất phát từ nhu cầu trên, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với UBND xã Rạng Đông thực hiện mô hình sản xuất  lúa ADI 168  chất lượng quy mô 05 ha với 30 hộ dân bản Nậm Mu, xã Rạng Đông tham gia.

Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc BVTV đồng bộ, cấp phát đúng tiến độ, tập huấn kỹ thuật sản xuất đầu vụ, hướng dẫn kỹ thuật trong suốt vụ nên bà con nông dân rất phấn khởi, nhiệt tình, tích cực tham gia mô hình và thực hiện đúng theo sự chỉ đạo của cán bộ kỹ thuật cũng như yêu cầu của mô hình.

Kết quả mô hình, cây lúa sinh trưởng phát triển tốt. Giống ADI 168 là giống cảm ôn, ít nhiễm bạc lá, gieo cấy được cả vụ xuân và vụ mùa. Thời gian sinh trưởng đối với vụ mùa 100 - 105 ngày. Chiều cao cây từ 110-115cm, đẻ nhánh khá, hạt thon nhỏ, màu vàng sáng. Đồng thời, bộ lá đòng dài, bản lá to màu xanh, độ tàn lá muộn và có thời gian trổ tập trung trong vòng từ 4 - 5 ngày. Khối lượng 1000 hạt là 20 - 21 gram, phẩm chất gạo ngon, cơm dẻo, mềm và có mùi thơm đặc trưng. Giống lúa này cứng cây, chống đổ khá, chịu rét tốt. Năng suất lúa mô hình đạt 61,9 tạ/ha, đạt và vượt yêu cầu so với mục tiêu đề ra năng suất đạt 50tạ/ha, vượt 11,9 tạ/ha. Với giá bán 7.500đ/kg, sau khi trừ chi phí, thu lợi nhuận là 26.539.000 đồng/ha.

Hội thảo đầu bờ giống lúa ADI 168 tại bản Nậm Mu, xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo.

Mô hình sản xuất lúa chất lượng vụ mùa năm 2019 tại xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của người dân về tiếp thu tiến bộ kỹ thuật mới vào trồng lúa. Thông qua mô hình các hộ nông dân đã được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật được trao đổi kinh nghiệm sản xuất, đồng thời biết kết hợp chặt chẽ giữa kinh nghiệm của địa phương với việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào thực tiễn sản xuất. Từ đó nhận thức của các hộ nông dân dần được nâng lên, góp phần thâm canh tăng năng suất cây trồng.

Hoàng Khắc Tân

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Điện Biên