Hỗ trợ con giống  mô hình chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học gắn liên kết tiêu thụ

Ngày 15/8/2020, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp và Nước sạch nông thôn tỉnh phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lấp Vò, Hội Nông dân và UBND xã Mỹ An Hưng B tiến hành giao gà giống cho các hộ thực hiện mô hình chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học gắn liên kết tiêu thụ từ nguồn kinh phí khuyến nông 2020.

Mô hình có quy mô 3.000 con gà thịt (giống gà nòi lai Bến Tre thả vườn) với 05 hộ tham gia (từ 400 - 1.000 con/hộ). Hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 50% con giống, thức ăn công nghiệp, men vi sinh xử lý chuồng trại và thuốc thú y, được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi gà an toàn sinh học.

Người dân tham gia mô hình phải đối ứng kinh phí và phải có chuồng trại, trang thiết bị chăn nuôi, áp dụng nuôi theo quy trình hướng dẫn, ghi chép sổ sách nhật ký theo dõi mô hình của cán bộ chuyên môn.

Mô hình được liên kết sản xuất với cơ sở An Thịnh cung cấp con giống, thức ăn và thu mua toàn bộ sản phẩm gà thịt của người tham gia mô hình.

Kiểm tra con giống gà, hướng dẫn úm tại hộ Võ Văn Sùa ấp An Thạnh, Mỹ An Hưng B

 

Hỗ trợ vật tư mô hình thâm canh xoài theo tiêu chuẩn VietGAP

Ngày 13 tháng 8 năm 2020, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp và Nước sạch Nông thôn phối hợp Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Thanh Bình tiến hành giao vật tư hỗ trợ mô hình thâm canh xoài theo tiêu chuẩn VietGAP.

Để thực hiện mô hình, Trung tâm phối hợp cùng Trung tâm DVNN huyện Thanh Bình, Hội quán Đất Ngọt xã Tân Quới chọn được 25 hộ nông dân đủ điều kiện tham gia mô hình với diện tích 11 ha. Mô hình thâm canh xoài theo tiêu chuẩn VietGAP được thực hiện từ nguồn kinh phí khuyến nông Quốc gia năm 2020 thuộc Dự án Xây dựng mô hình thâm canh xoài theo tiêu chuẩn VietGAP tại tỉnh Đồng Tháp từ 2020 – 2022.

Nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ 50% vật tư nông nghiệp gồm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Số tiền phân hỗ trợ cho 11 ha là 59.070.000 đồng (urea 2513,5 kg, lân Ninh Bình 4.812,5 kg, phân kali 1.468,5 kg). Thuốc bảo vệ thực vật có giá  trị 11.000.000 đồng (thuốc amistar 250SC, Antracol 70WP, Yamida 10WP). Phân bón hữu cơ vi sinh 16,5 tấn với giá trị 82.500.000 đồng.

Nông dân tham gia mô hình được tập huấn về kỹ thuật tỉa cành tạo tán, kích thích ra đọt non, tạo mầm hoa, quản lý dinh dưỡng và cải thiện chất lượng trái xoài. Qua đó giúp các nhà vườn áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật ngay từ đầu vụ, nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm phục vụ nội địa và xuất khẩu, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Nông dân tham gia mô hình thâm canh xoài theo tiêu chuẩn VietGAP nhận vật tư hỗ trợ

 

Nông dân tham gia mô hình trên cơ sở tự nguyện, vườn xoài có diện tích từ 0,1 ha trở lên, cây xoài từ 06 năm tuổi trở lên. Vườn được thiết kế đúng tiêu chuẩn, có khả năng thoát nước tốt; không bị nhiễm nặng sâu bệnh hại; có khả năng liên kết với các hộ liền kề để chung đầu mối về nguồn nước, nguồn điện; có lực lượng lao động, có khả năng tiếp thu các biện pháp kỹ thuật và áp dụng vào sản xuất sau khi được huấn luyện, đào tạo; có khả năng góp vốn đối ứng để thực hiện dự án và chưa nhận hỗ trợ từ bất kỳ nguồn kinh phí nào của ngân sách nhà nước cho cùng một nội dung của mô hình.

Mô hình nhằm ứng dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất thâm canh xoài theo ViêtGAP, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm phục vụ nội địa và xuất khẩu, nâng cao hiệu quả sản xuất. Liên kết sản xuất, tiêu thụ, cấp mã số vùng trồng và phát triển bền vững chuỗi giá trị ngành hàng xoài tỉnh Đồng Tháp./.

Trí Tuệ

Trung tâm DVNN&NSNT Đồng Tháp