Diện tích nhiễm bệnh khảm lá tăng đột biến là do nông dân chuyển đổi đất trồng mía sang trồng sắn trong thời điểm bệnh khảm virus đang lây lan mạnh; mặt khác do kiểm soát nguồn giống không tốt, trồng giống không rõ nguồn gốc, giống đã bị nhiễm khảm…

Trước thực trạng đó, Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai triển khai xây dựng Mô hình sản xuất giống sạch bệnh, thâm canh, quản lý tổng hợp phòng trừ bệnh khảm lá sắn  tại xã Kim Tân, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai với quy mô 10 ha, do 10 hộ dân tham gia thực hiện. Giống sắn trồng trong mô hình là giống sạch bệnh KM 140 do Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc cung cấp.

Mô hình được triển khai từ tháng 04 năm 2019. Trước khi trồng, Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc và Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai đã tổ chức tập huấn trong và ngoài mô hình cho các hộ nông dân về quy trình  kỹ thuật canh tác làm giảm bệnh khảm lá sắn của Cục Trồng trọt& Cục BVTV ban hành như: sử giống sắn sạch bệnh, xử lý hom giống trước khi trồng bằng thuốc BVTV, làm cỏ chăm sóc, bón phân cân đối… Khuyến cáo nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng phát hiện mật độ bọ phấn (Bemisia tabaci) để có biện pháp phòng trừ kịp thời.

Sau 5 tháng sau trồng cho thấy, cây sắn được trồng trong mô hình sinh trưởng và phát triển tốt. Tỷ lệ nhiễm bệnh khảm lá virus ở mức độ thấp, dao động từ 2- 4% ở thời điểm 6 tháng sau trồng, thấp hơn rất nhiều so với những giống sắn bị nhiễm khảm virus được trồng ở ngoài mô hình dao động từ 60- 70%. Dự kiến thời gian thu hoạch sắn là tháng 01/2020. Năng suất ước tính đạt khoảng 32- 36 tấn/ha.

Mô hình trồng giống sắn KM 140 thời điểm 3 tháng sau khi trồng tại tỉnh Gia Lai

Từ thực tế xây dựng mô hình tại xã Kim Tân, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai và kinh nghiệm quản lý dịch bệnh khảm lá sắn, bà con nông dân trồng sắn cần lưu ý: Không sử dụng nguồn giống bị nhiễm bệnh để trồng cho vụ kế tiếp; Sử dụng các loại giống sắn sạch bệnh và ít bị nhiễm để trồng (KM140& KM94); Xử lý hom giống trước khi trồng bằng các loại thuốc BVTV cho phép; Bón phân N P K cân đối kết hợp phân chuồng, phân hữu cơ (nếu có);  Sau khi trồng khoảng 30 ngày thường xuyên kiểm tra nếu xuất hiện một số cây bị nhiễm bị bệnh khảm lá sắn thì nhổ bỏ, tiểu hủy kết hợp phun xịt trừ bọ phấn trắng (nên phun xịt định kỳ ở giai đoạn cây con); Bố trí thời vụ hợp lý để hạn chế ký chủ của bọ phấn trắng; Có thể trồng xen lạc, ngô với sắn để tăng côn trùng có ích tiêu diệt bọ phấn trắng.

Nguyễn Hữu Hỷ, Phạm Thị Nhạn, Nguyễn Thị Thu Hương

Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc