Những cây bưởi bị ngập sâu sau khi nước rút sẽ để lại rác và bùn bám chặt vào gốc và lá cây, làm ảnh hưởng đến quá trình quang hợp. Ngoài ra, khi bị ngập nước, cây bị thiếu oxy để hô hấp, rễ bị ngộ độc khí CO2, làm rễ cây bị thối. Nếu bị ngập lâu ngày, nấm bệnh tấn công thông qua những vết thương, rồi ăn dần vào rễ chính, khiến cây vàng lá, rụng lá, rụng trái, khô cành và lâu ngày cây sẽ chết. Do đó, ngay sau khi nước rút, người dân cần tiến hành ngay các biện pháp để khôi phục vườn bưởi.

Ông Võ Tá Phong - kỹ sư Trại Thực nghiệm giống cây ăn quả - Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh cho biết: Trước hết, bà con cần phun nước rửa sạch phần lá, thân cây bị rác và bùn bám. Vệ sinh vườn tược, thu gom cành lá bị thối. Tiến hành cắt tỉa bớt những cành lá rậm rạp ở dưới gốc và bên trong tán cây để vườn thông thoáng. Khơi sâu rãnh giúp nước đọng trong vùng gốc nhanh chóng thoát ra để tránh thối gốc. Không đi lại quá nhiều trong vườn cây. Khi mặt vườn đã khô ráo, cần xới nhẹ đất phía dưới tán lá để phá váng, tạo điều kiện cho nước trong gốc bốc hơi nhanh, vườn sẽ mau khô. Lưu ý không làm đứt rễ cây. Đối với những vườn bị ngập sâu nên tưới thuốc trị bệnh ở vùng gốc nhằm giảm thiểu mức độ thiệt hại do ngập úng.

“Trên thực tế, tùy theo tuổi cây, tình hình sinh trưởng của cây sau thời gian bị ngập, bà con áp dụng các biện pháp một cách hài hòa, hợp lý, nhằm giảm thiểu mức độ thiệt hại do ngập úng”, ông Võ Tá Phong cho biết thêm.

Chị Nguyễn Thị Thắng ở thôn 6, xã Hương Thủy, huyện Hương Khê chia sẻ: “Nhà tôi có hơn 100 gốc bưởi bị ngập lụt trong đợt mưa lũ vừa qua. Sau khi nước rút, gia đình tôi được cán bộ khuyến nông tỉnh đến hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật để phục hồi vườn bưởi. Hiện chúng tôi đang tập trung nhân lực để khắc phục kịp thời số bưởi bị ảnh hưởng”.

Xã Hương Thủy có diện tích trồng bưởi tập trung là 200 ha. Đợt mưa lũ vừa qua đã làm cho hơn 50 ha bị ngập sâu gây thiệt hại lớn cho người dân. Ngay sau khi nước rút, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp phối hợp với UBND xã xuống tận các vườn bị ngập hướng dẫn người dân phun nước rửa cành lá và xử lý hiện tượng thối rễ, đồng thời chú ý phòng trừ các loại bệnh như bệnh loét, bệnh xỉ mủ gốc, hoặc bệnh vàng lá, thối rễ ở những vườn không có hệ thống thoát nước tốt, bị ngập lâu ngày.

Ông Lê Văn Tỵ - một người trồng bưởi ở thôn 8, xã Hương Thủy (Hương khê) cũng cho biết: “Vườn bưởi của gia đình tôi không bị ngập sâu vì vùng này cũng khá cao so với các vùng trồng bưởi khác trong xã. Nhưng sau mưa lũ lâu ngày, vườn bưởi ít nhiều cũng bị ảnh hưởng, nhất là phần thân và rễ. Vì vậy, trước hết phải vệ sinh cây sạch sẽ, quét vôi thân và tưới thuốc để bảo vệ bộ rễ. Những ngày qua, cả gia đình tôi chỉ tập trung vào việc khôi phục vườn bưởi”.

Nguyễn Hoàn

Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh