Theo ông Lê Văn Thái, Phó Giám đốc Sở Khoa học&Công nghệ tỉnh Quảng Bình, việc nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ quan trọng, nhất là trong bối cảnh tỉnh Quảng Bình đang chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Giai đoạn 2008-2017, tỉnh Quảng Bình đã thực hiện nghiên cứu, chuyển giao 122 đề tài, dự án và 61 mô hình sản xuất có hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp với tổng kinh phí từ ngân sách địa phương là 55 tỷ đồng, đối ứng của người dân gần 8,2 tỷ đồng; chiếm 70% số mô hình, nhiệm vụ sự nghiệp khoa học và công nghệ thực hiện.

Các mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân Quảng Bình

Về cơ bản, các đề tài, dự án đã tập trung vào việc khảo nghiệm các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, ứng dụng các kỹ thuật, quy trình mới trong sản xuất, bảo quản và chế biến sản phẩm đã góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm và tăng giá trị trên một đơn vị diện tích. Đặc biệt, một số đề tài, dự án đã chú trọng đối với vấn đề xử lý nguyên liệu sản xuất đầu vào hoặc chất thải nông nghiệp bằng chế phẩm sinh học, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển nông nghiệp bền vững. Nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới cũng được sản xuất thử nghiệm thành công như giống cam Valencia 2 không hạt; con lai giữa các giống bò đực hướng thịt Brahman trắng, Droughmaster với bò cái Zebu; các giống lúa mới năng suất, chất lượng cao như QR1, HT1, P6, TBR45…; Một số biện pháp kỹ thuật mới được đưa vào canh tác, sản xuất như hệ thống canh tác lúa cải tiến SRI, hệ thống quản lý dịch hại ICM, trồng lạc che phủ nilon, ứng dụng chuyển giao công nghệ sản xuất chế phẩm sinh học xử lý nguyên liệu nuôi trồng nấm; ứng dụng công nghệ nano trong nuôi tôm thẻ chân trắng;ứng dụng công nghệ sản xuất nước mắm bằng năng lượng mặt trời theo chu trình khép kín... bước đầu đưa lại hiệu quả cao cả về kinh tế lẫn thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cùng với đó, công tác nhân rộng, triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ và tập huấn chuyển giao kỹ thuật vào sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp được đẩy mạnh, các mô hình triển khai ứng dụng đều thành công cả về tính toán khoa học lẫn hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, việc triển khai trình diễn thành công các mô hình đã tạo ra ngành nghề mới cũng như tăng thêm đối tượng cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh theo hướng tích cực.

Thống kê của Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Quảng Bình cho thấy, từ năm 2008 đến nay đã có trên 200 mô hình chuyển giao kỹ thuật được triển khai, trên 200 lớp tập huấn được tổ chức với hơn 10.000 lượt người tham gia. Trong đó, có nhiều mô hình trình diễn được đánh giá cao như mô hình thâm canh lúa chất lượng cao QR1, TBR45; mô hình trồng ngô ngọt Thái Lan, ngô nếp lai Tố Nữ; mô hình trồng hoa cúc; mô hình sử dụng phân vi sinh Quế Lâm trong sản xuất lạc; mô hình sản xuất dưa hấu an toàn theo hướng VietGAP; các mô hình sản xuất nhân tạo giống cá lóc, cá đối mục, cá lăng chấm; mô hình sử dụng hầm bảo quản bằng vật liệu composite;…

Theo ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Quảng Bình, việc nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế ngành nông nghiệp nói riêng và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Sản xuất nông nghiệp đã từng bước chuyển dần từ số lượng sang chất lượng, giá trị cao; cơ cấu nông lâm ngư nghiệp chiếm 23,9% GDP toàn tỉnh; giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp giai đoạn 2008-2017 tăng bình quân 4,5%/năm.

Cùng với việc nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tỉnh Quảng Bình cũng đã chú trọng công tác xác nhận nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông sản truyền thống và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu truyền thống ra nước ngoài cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, như nước mắm Nhân Trạch, nước mắm Quy Đức, rượu Tuy Lộc, rượu Võ Xá, mật ong Tuyên Hóa, mật ong Minh Hóa, mây xiên Quảng Phương, khoai gieo Hải Ninh, bánh mè xát Tân An… Nhờ đó, đã giúp cho các cơ sở sản xuất yên tâm xây dựng và phát triển thương hiệu, từng bước xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, năng suất, chất lượng, hiệu quả và có sức cạnh tranh cao.

Xác định vai trò then chốt của khoa học kỹ thuật và công nghệ đối với phát triển nông nghiệp nông thôn, UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích các hoạt động nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ trong việc nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp; tăng cường tuyên truyền và tập trung các nguồn lực đẩy mạnh việc nghiên cứu, khảo nghiệm, thử nghiệm các giống cây trồng, mô hình sản xuất mới; đồng thời đẩy mạnh công tác khuyến nông, chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ kỹ thuật mới vào sản xuất, nhất là sản xuất thử nghiệm và đưa vào nhân rộng một số giống mới có năng suất, chất lượng cao. 

                                                                                                Ngọc Lan

Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quảng Bình