Mô hình được triển khai trên diện tích 20 ha, sử dụng giống lúa Bắc Thơm 7 và HN6, tại 2 điểm là xã Gio Quang (huyện Gio Linh) và xã Vĩnh Thủy (huyện Vĩnh Linh). Ruộng mô hình áp dụng là ruộng ở mức độ trung bình, ruộng chuyên sản xuất 2 vụ lúa.

Tham gia mô hình các hộ dân được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ 50% giống và 50% vật tư phân bón. Trước khi bắt đầu vào vụ sản xuất 45 ngày, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm đã tổ chức tập huấn hướng dẫn quy trình ủ phân hữu cơ, quy trình kỹ thuật thâm canh lúa theo hướng hữu cơ cho bà con nông dân.

Kỹ sư Lê Thị Tú - cán bộ kỹ thuật của Trung tâm cho biết: “Điểm khác biệt của mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ so với các mô hình đại trà là mô hình sử dụng phân bón hữu cơ Quế lâm và 100% hộ tham gia mô hình sử dụng phân chuồng được ủ bằng chế phẩm Trichoderma, ngoài ra khi lúa bị sâu bệnh chỉ sử dụng thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học”.

Ông Trần Đăng Tư - thôn Vinh Quang Hạ, xã Gio Quang, huyện Gio Linh chia sẻ, tham gia mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, ông và các hộ dân được cán bộ kỹ thuật tập huấn, hướng dẫn tận tình về quy trình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ.

“Tham gia mô hình tôi không phải sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, chỉ sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học; sử dụng công cụ sạ hàng để gieo sạ; chế độ tưới nước khoa học, phù hợp nhu cầu phát triển của cây lúa”, ông Tư nói.

Các đại biểu tham quan ruộng mô hình

Phát triển nông nghiệp theo phương pháp canh tác hữu cơ không chỉ góp phần tạo ra những sản phẩm hữu cơ có lợi cho sức khỏe con người mà về lâu dài còn góp phần cải tạo thỗ nhưỡng, hệ sinh thái đồng ruộng. Ngoài hiệu quả kinh tế mang lại mô hình còn có tác động lớn về mặt môi trường, xã hội.

Ông Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc HTX Thủy Ba Tây, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh cho hay, sau khi tham gia mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, ông thấy trên các bờ ruộng mô hình không còn tình trạng vỏ chai thuốc hóa học tràn lan, bừa bãi như trước nữa. Nhờ áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ sử dụng phân hữu cơ vi sinh và khoáng Quế Lâm, kết hợp với phân chuồng và vôi, nên đất đai được cải tạo tốt hơn, cây lúa phát triển cân đối, môi trường an toàn, hệ sinh thái đồng ruộng đảm bảo, có cá, ốc, cua đồng… cùng sinh sống trên ruộng lúa.

Sử dụng phân ủ hữu cơ tận dụng được nguồn phân chuồng, phân xanh hạn chế được rác thải hữu cơ, nạn ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi. Qua quá trình triển khai cho thấy, áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ khả năng chống chịu sâu bệnh của cây lúa tốt hơn. Trong thời kỳ trổ ruộng ít nhiễm rầy, khô vằn, cho bông dài, lúa sạch sâu bệnh, cây sinh trưởng phát triển khỏe mạnh, cứng cây không bị đỗ ngã khi gặp mưa giông. Lượng phân bón cho các đợt bón thúc giảm lại nên chi phí đầu vào thấp hơn. Năng suất cuối vụ của mô hình 52 tạ/ha, cao hơn 3 tạ/ha so với sản xuất đại trà.

Theo ông Trần Văn Kinh - Giám đốc HTX Vinh Quang Hạ - xã Gio Quang, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ là điều tất yếu, vì vậy với sự ủng hộ của chính quyền địa phương, Ban giám đốc HTX sẽ tiếp tục duy trì mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, tiến tới xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ xã Gio Quang để cung cấp sản phảm sạch an toàn cho người tiêu dùng. Ông Kinh cho hay, hiện tại HTX được chương trình mục tiêu Nông thôn mới và Liên Minh Hợp tác xã và Doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư cho hệ thống kho, máy sấy và xay xát để có thể chế biến sâu sản phẩm lúa gạo.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Cẩn - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị cho biết: Trong những năm qua, Ngành nông nghiệp Quảng Trị nói chung cũng như Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị nói riêng thường xuyên hướng dẫn nông dân tham gia các mô hình sản xuất mới theo hướng hữu cơ. Đây là vụ sản xuất thứ 3 Trung tâm Khuyến nông triển khai mô hình này trên địa bàn tỉnh. Phát triển nông nghiệp theo phương pháp canh tác hữu cơ sẽ cho sản phẩm an toàn, góp phần bảo vệ môi trường, hệ sinh thái đồng ruộng, phù hợp với thích ứng biến đổi khí hậu hiện nay, đây là mô hình cần theo đuổi để phát triển ngành lúa gạo bền vững.

Phan Việt Toàn

Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị