* Buổi bàn giao vật tư mô hình “Sản xuất rau kết hợp nuôi gà thịt an toàn sinh học” có sự tham dự có đại diện lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện, lãnh đạo và trưởng ban ngành đoàn thể xã Chiềng Pha cùng 30 hộ tham gia mô hình.

Được biết, mô hình có quy mô 4 ha đất sản xuất, 3.000 con gà (100con/hộ), với 30 hộ tham gia tại địa bàn bản Chộ Muông, xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu. Hộ tham gia mô hình là hộ nghèo, cận nghèo, được lựa chọn công khai tại xã, bản; đảm bảo các tiêu chí theo quy định.

Hộ tham gia mô hình được nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí theo định mức kỹ thuật và dự toán được phê duyệt, bao gồm: gà giống 01 ngày tuổi (gà mía lai; đạt chất lượng giống, tiêm đầy đủ các loại vacxin); hạt giống đậu cove, rau cải; các loại phân (đạm, lân, kali, phân hữu cơ sinh học, phân bón lá cao cấp); thuốc BVTV; hoá chất sát trùng, vắc-xin, thuốc (kháng sinh, cầu trùng, tăng sức đề kháng...) và thức ăn hỗn hợp.

Tại buổi bàn giao con giống, vật tư, các hộ được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn quy trình úm, chăm sóc và phòng chống dịch bệnh cho gà, cách sử dụng các loại thuốc, vắc-xin phòng bệnh cho gà.

Ông Cà Văn Hao phấn khởi nhận giống, vật tư mô hình “Sản xuất rau kết hợp nuôi gà thịt an toàn sinh học”

 

Được tham gia thực hiện mô hình lần này, ông Cà Văn Hao ở bản Chộ Muông, xã Chiềng Pha chia sẻ, không chỉ riêng ông mà 29 hộ dân trong bản đều vui mừng vì lần đầu tiên được tham gia thực hiện mô hình khuyến nông. Với số gà giống, hạt giống và vật tư được hỗ trợ, gia đình ông sẽ chăm sóc thật tốt để phát triển kinh tế, giảm khó khăn trong cuộc sống. Ông sẽ tận dụng cá tạp, ốc bươu vàng, cây chuối, rau xanh, ngô hạt làm thức ăn bổ sung, vừa tiết kiệm chi phí trong chăn nuôi, vừa thêm chất dinh dưỡng cho đàn gà của gia đình.

Hộ tham gia mô hình đánh giá cao về chất lượng con giống khỏe mạnh, nhanh nhẹn; hạt giống chất lượng, mẫu mã đẹp và sẵn sàng áp dụng kiến thức được tập huấn vào thực tiễn chăm sóc gà và cây giống. Hiện mô hình đang triển khai theo đúng tiến độ và quy định./.

* Ngày 17/9, tại buổi bàn giao con giống, vật tư cho mô hình “Chăn nuôi lợn thịt an toàn sinh học” có sự tham dự có đại diện lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Phòng Nông nghiệp &PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, lãnh đạo và trưởng các ban ngành đoàn thể xã Nà Nghịu (Sông Mã), xã Nậm Lạnh (Sốp Cộp) cùng 05 hộ tham gia mô hình.

Mô hình được triển khai có quy mô 150 con lợn với 05 hộ tham gia; trong đó: 3 hộ tại xã Nà Nghịu (Sông Mã); 2 hộ tại xã Nậm Lạnh (Sốp Cộp). Hộ được lựa chọn đáp ứng đủ điều kiện về cơ sở vật chất, chuồng trại, phù hợp với tiêu chí của mô hình đặt ra, có kinh nghiệm và trình độ chăn nuôi lợn; có đủ vốn đối ứng, cam kết tham dự đầy đủ các buổi tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, hội thảo tổng kết, ghi chép sổ sách chăm sóc và theo dõi đàn lợn theo yêu cầu mô hình.

Hộ tham gia mô hình được Nhà nước hỗ trợ 70% kinh phí, bao gồm: giống lợn ngoại (khối lượng: ≥ 20kg/con; nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, ngoại hình đẹp, được kiểm dịch và tiêm phòng đầy đủ vắc-xin theo quy định); thức ăn hỗn hợp; các loại vắc-xin bệnh (dịch tả, phó thương hàn, tụ huyết trùng, đóng dấu lợn, lở mồm long móng, tai xanh); thuốc thú y (tiêu chảy, thuốc hô hấp, tăng cường sức đề kháng, thuốc hạ sốt) và hóa chất sát trùng pha loãng.

Con giống đảm bảo chất lượng được bàn giao cho hộ gia đình ông Vũ Minh Khuê, bản Hưng Mai, xã Nà Nghịu huyện Sông Mã

 

Các hộ tham gia mô hình đã được tập huấn quy trình chăn nuôi lợn an toàn sinh học từ khâu cải tạo chuồng trại, cách làm đệm lót sinh học, ủ và phối trộn thức ăn, chăm sóc nuôi dưỡng, vệ sinh phòng bệnh…

Tại buổi bàn giao, ông Công Xuân Ngọc, giám đốc Trung tâm Khuyến nông, thông tin: Việc giao nhận giống, vật tư được kiểm tra, giám sát chặt chẽ đảm bảo đúng tiêu chuẩn, chất lượng, phù hợp với yêu cầu và điều kiện chăn nuôi. Trong quá trình thực hiện mô hình, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông sẽ thường xuyên theo dõi, đôn đốc và kiểm tra giám sát hỗ trợ; tiếp tục chuyển giao kỹ thuật theo đúng quy trình, đạt hiệu quả.

Ông Vũ Minh Khuê, hộ tham gia mô hình tại bản Hưng Mai, xã Nà Nghịu cho biết con giống khỏe mạnh, nhanh nhẹn; thức ăn, thuốc, vắc-xin và hóa chất khử trùng được cung cấp đầy đủ và chất lượng. Ông cho biết, chăn nuôi lợn an toàn sinh học vẫn còn khá mới mẻ đối với gia đình ông. Sau khi được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cụ thể, ông tự tin hơn trong cách thức thực hiện và sẵn sàng áp dụng đúng quy trình vào thực tiễn để mô hình đạt được hiệu quả tốt nhất.

Kỹ sư Phạm Đức Toàn, cán bộ chỉ đạo trực tiếp mô hình chia sẻ: Trong thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường, nắng mưa xen kẽ, vật nuôi không kịp thích nghi, sức đề kháng giảm, nguy cơ dịch bệnh cao. Để nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn, hộ tham gia mô hình cần tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh dịch tả, phó thương hàn, tụ huyết trùng, đóng dấu lợn, lở mồm long móng, tai xanh..; vệ sinh sạch sẽ dụng cụ chăn nuôi, định kỳ xử lý bằng hóa chất hoặc úp phơi khô dưới ánh nắng mặt trời; cho ăn uống đầy đủ và tăng cường dinh dưỡng, cung cấp đầy đủ thức ăn sạch, dễ tiêu, bảo đảm chất lượng và phù hợp từng lứa tuổi của đàn lợn; tiến hành kiểm tra và gia cố chuồng trại để hạn chế tốc mái khi có mưa bão; cung cấp đủ nước uống sạch, bổ sung thêm vitamin B, C, khoáng chất, men tiêu hóa... cho gia súc, gia cầm để nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn…

Những mô hình của Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện sẽ là điểm tham quan, học tập để các hộ dân quanh vùng tiếp cận với phương thức sản xuất mới, qua đó vừa đáp ứng nhu cầu thực phẩm của người dân vừa nâng cao thu nhập cho gia đình.

Thảo Hiếu

Trung tâm Khuyến nông Sơn La