Năm 2020, Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa phối hợp với Viện Nghiên cứu Lâm sinh thực hiện Dự án: "Xây dựng mô hình trồng thâm canh giổi ăn hạt bằng cây ghép”, quy mô 5 ha, với 25 hộ dân tham gia. Mô hình được triển khai tại xã Cẩm Phú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa.

Các hộ tham gia được hỗ trợ 100% cây giống, phân bón, được tập huấn kỹ thuật trước khi trồng. Mô hình đã ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật như: cây giống đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng; thực bì được phát dọn; làm đất, đào hố được thực hiện trước khi trồng 1 tháng; hố được đào với kích thước 50 x 50 x 50 cm; bón phân với lượng 2 kg phân vi sinh + 0,5 kg phân NPK (16.16.8)/hố, bón bổ sung chế phẩm sinh học Trichoderma để cải tạo đất và phòng trừ nấm bệnh lượng bón 10 kg/ha, mật độ trồng 500 cây/ha theo phương thức phân tán với diện tích mỗi hộ tối thiểu 0,1 ha và tối đa không qua 0,3 ha.

Sau thời gian 5 tháng (trồng từ tháng 8/2020), mô hình đã được địa phương và các hộ tham gia đánh giá cao. Cây giổi có tỷ lệ sống cao đạt 96%, cành ghép phát triển nhanh, chồi nách đã ra được 6-7 lá, cây sinh trưởng khỏe, sạch sâu bệnh và phù hợp với điều kiện địa phương. Cây giổi ghép sau khi trồng sẽ rút ngắn thời gian thu hoạch quả và hạt từ 8 năm xuống còn 4 năm. Ngoài giá trị thu được từ hạt, gỗ cây giổi cũng có giá trị cao.

Với kết quả bước đầu đạt được, mô hình trồng thâm canh giổi ăn hạt bằng cây ghép sẽ là cơ sở nhân rộng diện tích trồng cây lâm sản ngoài gỗ đem lại giá trị cao cho người nông dân.

Lê Thị Hương

Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa