Thanh long là cây chịu hạn và cần có sự điều tiết lượng nước tưới khá đặc biệt. Nếu thiếu nước thì năng suất không cao, chất lượng quả kém, nhưng nếu thừa nước thì năng suất giảm, cây bị chết. Trước đây, phương pháp tưới phổ biến được nông dân áp dụng đối với cây thanh long là tưới gốc, tức là dùng máy bơm rồi kéo ống tưới cho từng gốc thanh long, điều này mất rất nhiều công sức, thời gian.

Qua kết quả thực hiện điểm trình diễn “Ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước trên vườn cây thanh long” của Trạm Khuyến nông huyện Tân Phước, anh Dương Văn Thông, sinh năm 1980 ở xã Hưng Thạnh đã mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm giúp giảm lượng nước, tiết kiệm năng lượng tưới, giảm công tưới, tăng thu nhập 5-10% so với phương pháp tưới truyền thống. Cây cho năng suất ổn định và tăng chất lượng quả góp phần sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu.

Anh Thông bên vườn trồng thanh long của gia đình

Anh Dương Văn Thông trồng 1,1 ha thanh long từ năm 2014 với 1250 gốc thanh long ruột đỏ H14. Đầu tháng 4/2018, anh Thông đầu tư 45 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm gồm ống pvc, mô-tơ, dây, pec phun gốc...

Theo anh Thông, từ tháng 5 đến tháng 10/2018, chi phí cho 1,1 ha trồng thanh long là 250 triệu đồng (gồm phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh, xông đèn, vuốt tai...). Cũng thời gian đó, anh thu hoạch 24,8 tấn. Tuy nhiên, trong năm 2018 giá thanh long lên xuống thất thường, quân bình 15000- 20.000 đồng/kg, anh thu 400 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 150 triệu.

Cũng theo anh Thông so sánh, với cách trồng tưới nước theo tập quán cũ thì áp dụng hệ thống tiết kiệm có lợi nhiều, nhất là khâu mướn công tưới, bón phân, bởi hệ thống chỉ cần 2 người để pha phân tưới cho thanh long là đủ, còn canh tác theo kiểu tưới gốc anh cần mướn phải 4 - 5 nhân công. Quan trọng năng suất tăng được 1 tấn, giảm 50% công tưới nước.

Thiết nghĩ trong điều kiện biến đổi khí hậu, thiếu nước, hạn mặn thì việc áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm như anh Thông, vừa tưới nước vừa bón phân sẽ tránh lãng phí nước tưới, giảm công lao động, qua đó góp phần giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận kinh tế cho người sản xuất, đồng thời hướng tới nền nông nghiệp bền vững.

Trương Hồng Huy

Trung Tâm DVNN huyện Tân Phước, Tiền Giang