Tham gia lớp tập huấn các học viên được học lý thuyết và thực hành trên đồng ruộng, nhằm giúp cho bà con nông dân hiểu và vận dụng kiến thức vào sản xuất, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế, tạo ra nông sản sạch, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Thời gian tập huấn được chia thành các đợt phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của cây dưa leo trên đồng ruộng. Nội dung xuyên suốt quá trình từ khi làm đất, gieo hạt, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đến thu hoạch bảo quản. Quá trình học tập kết hợp trao đổi kinh nghiệm, thảo luận, từ đó lớp học đúc rút kinh nghiệm, bổ sung giữa lý thuyết với thực tế, mục đích hoàn thành quy trình phù hợp với điều kiện đất đai của địa phương.

Tại mô hình trình diễn của lớp tập huấn có diện tích 250m2, sử dụng giống dưa leo ChaiO 578, sau 3 tháng triển khai đã thu hoạch được 480 kg quả, đạt năng suất 960 kg/sào (1 sào = 500 m2), với giá bán hiện nay thì sau khi trừ chi phí ước tính thu lãi hơn 1,5 triệu đồng/sào, cao hơn so với trồng đại trà của người dân gần 1 triệu đồng/sào.

Thực hành tại mô hình trình diễn của lớp tập huấn

Chị Hồ Thị Hiền – một học viên của lớp cho biết: Trước khi được tập huấn, hầu hết bà con nông dân chưa nắm được các bước trong quá trình trồng và chăm sóc cây dưa leo. Sau khi được đào tạo kết hợp giữa lý thuyết và các bước thực hành ngoài đồng ruộng, các học viên đã dần nắm vững được quy trình trồng cây dưa leo. Song song với quá trình học tập tại mô hình, bà con đã vận dụng những kiến thức đã học được vào việc chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh cho những diện tích trồng của gia đình mình.

Phó giám đốc Trung tâm KNKN tỉnh – Trần Cẩn nhận xét: Lớp tập huấn tại đồng ruộng (FFS) về sản xuất cây dưa leo an toàn đã giúp các học viên tiếp thu và vận dụng các kiến thức được tập huấn một cách có hiệu quả vào sản xuất. Trong thời gian tới, Trung tâm KNKN sẽ tiếp tục triển khai các lớp tập huấn theo phương pháp này nhằm giúp bà con nông dân nắm vững được kiến thức, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích và hướng tới sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.

Thục Quyên

Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị