Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia về nông nghiệp công nghệ cao đến từ Trung tâm công nghệ sinh học thành phố Hồ Chí Minh, Viện Cây ăn quả miền Nam, Hội Chăn nuôi Việt Nam, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lâm Đồng, các ban ngành trong tỉnh Bình Phước, các doanh nghiệp và báo đài trung ương, địa phương.

Hội thảo nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về sự cần thiết phải phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời phát huy vai trò, tiềm năng, trí tuệ và trách nhiệm của đội ngũ trí thức, các nhà quản lý, nhà khoa học trong và ngoài tỉnh đóng góp xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao phù hợp với đặc thù riêng của tỉnh Bình Phước.

Theo báo cáo tại hội thảo, công tác ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh đạt được một số kết quả bước như: Việc ứng dụng xử lý thuốc bảo vệ thực vật bằng máy công suất cao, máy nhặt điều, máy thổi lá trong sản xuất điều; Xây dựng được vùng nguyên liệu hồ tiêu liên kết với doanh nghiệp để sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn quốc tế Rain forest Alliance với 60 CLB và hơn 1500 hộ tham gia; Sản xuất cây ăn trái có nhiều nhóm liên kết với quy mô lớn như nhãn, sầu riêng, quýt đường, bưởi da xanh…; Hệ thống trồng dưa lưới trồng nhà kính với diện tích gần 10ha; Chăn nuôi công nghệ cao theo mô hình trang trại kín với 92/301 trang trại có sử dụng hệ thống làm lạnh, tự điều chỉnh nhiệt độ, sử dụng máng ăn bằng silo và hệ thống nước uống tự động...; Từng bước tự động hóa trong giết mổ, chăn nuôi tập trung có xử lý chất thải đảm bảo các yêu cầu về môi trường; Định hướng thủy sản thử nghiệm nuôi khép kín và hướng người nuôi lựa chọn các đối tượng có giá trị kinh tế phù hợp với điều kiện nuôi trồng; Nhân rộng  05 cây giống điều địa phương đã công nhận và xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu bảo tồn, quản lý quỹ gen; Tuyển chọn giống tiêu địa phương, nghiên cứu và bảo tồn các nguồn gen quý để nhân giống ra sản xuất.

Đến năm 2020, tỉnh Bình Phước phấn đấu thành lập 04 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bao gồm: thị xã Đồng Xoài 01 khu, diện tích 50 ha; huyện Lộc Ninh 01 khu, diện tích 500 ha; huyện Hớn Quản 01 khu, diện tích 500 ha; huyện Đồng Phú 01 khu, diện tích 50 ha. Dự kiến đến cuối năm 2018 sẽ đưa khu Đồng Xoài (50 ha) vào hoạt động với sản phẩmnông nghiệp chính trong khu: dưa lưới, rau thủy canh, điều giống, hoa lan…

Hội thảo đã nhận được ý kiến của các đại biểu tham dự và khán giả theo dõi qua truyền hình trực tuyến như: Các nội dung liên quan đến việc tích tụ ruồng đất để làm nông nghiệp công nghệ cao; Giải pháp đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao khi chi phí đầu tư lớn…

Tại hội thảo, đại diện tỉnh Lâm Đồng đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc hình thành các khu công nghệ cao; các hình thức để liên kết với doanh nghiệp và hỗ trợ nông dân sản xuất công nghệ cao cũng như xúc tiến thương mại, chính sách về khoa học công nghệ, công nghệ phụ trợ, kiểm tra, giám sát, xây dựng thương hiệu, tín dụng, quy hoạch, vai trò doanh nghiệp, trang trại tư nhân, hộ nông dân.

Hội thảo đã phần nào cung cấp thông tin về diện mạo của nền nông nghiệp công nghệ cao ở Bình Phước trong hiện tại và tương lai. Qua đó tiếp tục khẳng định phát triển nông nghiệp công nghệ cao là tất yếu trong thời đại hội nhập để nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp, trình độ sản xuất, quản lý hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội. Thông qua hội thảo ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước có thể đề xuất được những giải pháp cụ thể, thiết thực trong việc xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao gắn với đặc thù riêng của tỉnh nhà.

Vũ Hường

Trung tâm Khuyến nông Bình Phước