Các địa phương trong tỉnh cũng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cải tạo, phục hồi đất, diện tích lúa và cây trồng nhằm nhanh chóng đưa sản xuất nông nghiệp ổn định trở lại. Hệ thống khuyến nông Tuyên Quang đã huy động lực lượng cán bộ khuyến nông, khuyến nông cộng đồng đến từng địa phương, từng hộ dân bị ảnh hưởng, thiệt hại để hướng dẫn, hỗ trợ nông dân khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất kịp thời.

leftcenterrightdel
Khuyến nông Tuyên Quang hỗ trợ, hướng dẫn nông dân vệ sinh vườn mía sau ngập lụt tại xã Đông Lợi, huyện Sơn Dương (ảnh: Thành Lâm)

 

Theo đó, ngành nông nghiệp phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập các đoàn công tác để rà soát, thống kê thiệt hại đối với sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; hướng dẫn các biện pháp khôi phục sản xuất nông nghiệp; tham mưu, đề xuất phương án khắc phục và hỗ trợ kịp thời những hộ gia đình có diện tích sản xuất, chăn nuôi bị ảnh hưởng, thiệt hại. Các địa phương trong tỉnh huy động nông dân phát huy tối đa nguồn lực để khôi phục sản xuất, có phương án thu hoạch và cải tạo, phục hồi các diện tích lúa, hoa màu, cây lâm nghiệp bị ảnh hưởng…

 

Tại xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn - nơi được biết đến là vùng trồng bưởi nổi tiếng của tỉnh Tuyên Quang, lũ lụt đã khiến hơn 360 ha bưởi trên địa bàn xã bị thiệt hại. Ông Lê Hồng Việt, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Xuân Vân chia sẻ, ngay sau khi nước rút, người dân đã chủ động bơm nước rửa lá, quả cho diện tích bưởi, đặc biệt là bưởi da xanh để chuẩn bị cho vụ thu hoạch tháng tới. Chính quyền xã tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng hướng dẫn người dân xử lý môi trường, phun khử trùng, bổ sung chất dinh dưỡng cho cây để cây có sức nuôi quả và sinh rễ thay thế.

 

Sau những ngày mưa lũ, vườn bưởi da xanh 500 gốc của gia đình ông Phạm Văn Vượng (thôn Soi Đát, xã Xuân Vân) rụng khá nhiều. Ông Phạm Văn Vượng cho hay, số quả không bị rụng thì lấm đặc bùn đất, gia đình phải kéo dây dẫn, bơm nước rửa từng quả. Toàn bộ cây chống cành bị đổ thì phải chống lại từng cây. Nếu không ngập lụt, vườn bưởi của gia đình ông Vượng chỉ còn hơn 1 tháng nữa là cho thu hoạch với giá trị trên 300 triệu đồng.

 

Còn gia đình bà Nguyễn Thị Thu (thôn Hữu Vu, xã Đại Phú, huyện Sơn Dương), chỉ một ngày mưa bão đã khiến 4 ha rừng của gia đình bị gãy đổ. Bà Nguyễn Thị Thu nghẹn ngào, vườn rừng gia đình trồng keo và bạch đàn từ 1 - 2 năm tuổi. Trong 4 ha bị ảnh hưởng do bão lũ, khoảng 2 ha keo đã gãy đổ hoàn toàn buộc gia đình phải chặt bỏ để trồng mới. Số còn lại là bạch đàn và keo mới trồng bị nghiêng, gãy cành và bà đang tập trung vun đất, dựng lại.

 

Theo ông Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương, toàn huyện bị gãy đổ khoảng 360 ha rừng. Riêng Công ty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương đã bị đổ, gãy 200 ha rừng keo, bạch đàn từ 1 đến 5 năm tuổi, thiệt hại khoảng 12 tỷ đồng. Thời điểm hiện tại, đơn vị đang tập trung dựng lại cây và buộc cọc chống đỡ diện tích bạch đàn từ 1 - 2 năm tuổi, còn hơn 120 ha cây từ 4 - 5 năm tuổi sẽ tận thu sớm và tiến hành trồng mới.

 

Tại huyện Chiêm Hóa, ông Phạm Văn Cầu, Chủ tịch UBND xã Vinh Quang cho biết, nhiều bà con chăn nuôi lợn, trâu bò trên địa bàn đã kịp di chuyển vật nuôi nhưng các chuồng trại bị ngập sâu. Hiện tại, chính quyền địa phương phối hợp với cán bộ nông, lâm nghiệp tuyên truyền, hướng dẫn các hộ gia đình chăn nuôi dọn dẹp vệ sinh chuồng trại. Hầu hết các hộ đã tiến hành rửa chuồng trại bị ngập, phun thuốc khử trùng, rắc vôi xử lý môi trường đảm bảo các điều kiện tái sản xuất.

 

Thống kê cho thấy, ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 cùng với việc xả lũ thủy điện Tuyên Quang đã gây thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành nông nghiệp. Theo đó, 5.430 ha lúa bị đổ, ngập; trên 3.420 ha ngô, sắn, hoa màu và trên 843 ha cây ăn quả bị ảnh hưởng; 720 ha cây lâm nghiệp bị đổ, gãy; tràn bờ trên 583 ha ao, hồ gây thiệt hại 415 lồng cá nuôi trên sông Lô...

leftcenterrightdel
 Vườn bưởi tại xã Văn Phú, huyện Sơn Dương bị thiệt hại nặng nề (ảnh: Thành Lâm)

 

Hoàng Hải