Điều này dẫn đến hệ lụy như phá rừng để lấy đất canh tác dẫn đến tình trạng biến đổi khí hậu, hán hán, lũ lụt ngày càng khốc liệt. Việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như chọn giống, chăm sóc… còn hạn chế. Bên cạnh đó trong những năm giá hồ tiêu ở mức cao, người dân tập trung đầu tư thâm canh bằng mọi giá như lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường nước, đất, dịch bệnh gây thiệt hại và ảnh hưởng trực tiếp đến người sản xuất. 

Trong thời điểm hiện nay, khi giá hồ tiêu chỉ ở mức 45.000 đồng/kg, đã có nhiều hộ dân không chủ động được nguồn vốn để đầu tư chăm sóc nên vườn tiêu sinh trưởng phát triển kém, bị bệnh chết chậm, chết nhanh. Theo thống kê sơ bộ của ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông, từ tháng 01/2018 đến hết tháng 6/2019 toàn tỉnh đã bị nhiễm bệnh và chết với diện tích khoảng 3.000ha, tập trung chủ yếu huyện Đắk Nông, Cư Jut,…

Mặc dù giá xuống thấp, nhưng để người dân nâng cao được về sản xuất hồ tiêu theo hướng bền vững, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông đã triển khai các hoạt động như xây dựng mô hình trình diễn thâm canh hồ tiêu bền vững kết hợp sử dụng than sinh học, mô hình phục hồi vườn tiêu bị bệnh chết chậm bằng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp và tổ chức các lớp tập huấn về sản xuất hồ tiêu bền vững, nhằm nâng cao kiến thức cho người dân trồng tiêu trong thời điểm hiện nay.

Trong năm 2019, trên cơ sở các hộ dân đã thực hiện năm 2018, Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông triển khai xây dựng mô hình phục hồi vườn tiêu bị bệnh chết chậm bằng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp tại một số tỉnh Tây Nguyên thuộc Dự án Khuyến nông Trung ương.

Nhằm nhân rộng mô hình trên địa bàn triển khai, từ ngày 29-31/7/2018, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông kết hợp với UBND xã Đắk Ha tổ chức lớp tập huấn ngoài mô hình cho các hộ dân trồng tiêu có nhu cầu, với nội dung phục hồi vườn tiêu bị bệnh chết chậm bằng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp. Kết quả số người tham gia khóa tập huấn là 35 người, trong đó dân tộc thiểu số là 26 người (chiếm 74,28%), nữ là 24 người (chiếm 68,57%).

Lớp tập huấn ngoài mô hình về kỹ thuật phục hồi vườn tiêu bị bệnh chết chậm bằng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp

Các học viên tham gia tập huấn được giảng viên trao đổi, chia sẻ các nội dung thiết thực phù hợp với thực tế, có hình ảnh minh họa, phương pháp tập huấn sinh động, có sự tham gia, chia sẻ hai chiều, kết hợp lý thuyết với thực hành ngoài hiện trường. Thông qua lớp tập huấn các học viên được tiếp thu rất nhiều kiến thức bổ ích, đặc biệt là nội dung quản lý dịch hại tổng hợp trên cây hồ tiêu.

Trong buổi tổng kết, lãnh đạo địa phương cũng nhận định rằng để người dân trên địa bàn xã Đắk Ha đặc biệt là người dân tộc thiểu số tại chỗ có kiến thức, kỹ năng, thay đổi tập quán canh tác sản xuất cũ thì rất cần các cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên các loại cây trồng chủ lực.

Có thể khẳng định rằng, trong giai đoạn hiện nay người dân trồng tiêu gặp không ít khó khăn do giá sản phẩm xuống thấp, trong khi giá các loại vật tư nông nghiệp lại tăng. Do đó để hồ tiêu phát triển bền vững thì cần phải có sự hỗ trợ của các cấp, các ngành liên quan nhằm tuyên truyền, vận động, khuyến cáo người dân phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững.

Nguyễn Thị Thảo

Trung tâm Khuyến nông Đắk Nông