Tham dự lễ bế giảng có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Lê Quốc Doanh, đại diện Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) tại Việt Nam, lãnh đạo Cục BVTV, lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cùng 30 học viên của lớp tập huấn.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu tại lễ bế giảng lớp tập huấn

 

Năm 2020, Bộ Nông nghiệp &PTNT giao Cục BVTV triển khai 02 lớp tập huấn giảng viên quốc gia về IPM (ToT) và 10 lớp tập huấn FFS cho nông dân. Trong đó, lớp tập huấn đào tạo giảng viên IPM (ToT) trên cây lúa cho các tỉnh phía Bắc được thực hiện vụ mùa năm 2020 khai giảng ngày 8/7/2020. Học viên học tập trung trong 105 ngày, mỗi tuần học 6 ngày, trong đó có 5 ngày học tại Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Bắc và 01 ngày thực hành tập huấn cho lớp nông dân (FFS) của 5 xã phường thuộc huyện Văn Lâm. tỉnh Hưng Yên.

30 học viên được đào tạo giảng viên nòng cốt (ToT)

Tại lớp tập huấn, các học viên được bồi dưỡng chuyên sâu kiến thức về quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) như: Các nguyên tắc và các biện pháp kỹ thuật IPM (ICM, SRI, 3 giảm 3 tăng, canh tác kết hợp lúa - cá/tôm bền vững); Hệ sinh thái nông nghiệp, sinh lý cây lúa qua các giai đoạn sinh trưởng phát triển gắn với phân tích các yếu tố ảnh hưởng, nhu cầu về dinh dưỡng, sinh vật gây hại, sinh vật có ích (thiên địch), biện pháp “trồng cây khỏe”; Thuốc bảo vệ thực vật (phân loại thuốc, thời gian cách ly, các vấn đề cơ bản về thuốc BVTV, mối nguy của thuốc BVTV,  thực trạng quản lý kinh doanh, sử dụng và bảo quản thuốc BVTV và các giải pháp giảm thiểu tác hại của thuốc BVTV gây ra); Các vấn đề an toàn thực phẩm…

Học viên được thực hành ở các giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Ngoài ra, xuất phát từ một số bất cập trong sản xuất lúa của một số địa phương, lớp tập huấn xác định thực hiện một số thí nghiệm trên đồng ruộng, bao gồm: thí nghiệm về ảnh hưởng các biện pháp quản lý hệ sinh thái khác nhau đến sâu hại, thiên địch và năng suất lúa; các thí nghiệm: cắt lá, cắt dảnh, tưới nước tiết kiệm, sử dụng nấm metazhium để phòng trừ rầy hại lúa. Thông qua thí nghiệm các học viên nắm được phương pháp bố trí thí nghiệm đồng ruộng, các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, phun thuốc, bón phân hiệu quả.

Học viên được hướng dẫn phương pháp huấn luyện, kỹ năng truyền đạt, tuyên truyền, kỹ năng hoạt động nhóm,… Kiến thức và kỹ năng học được từ lớp tập huấn giúp các học viên tự tin và chủ động giảng dạy cho các lớp tập huấn tại địa phương.

Học viên thực hành thực hiện các thí nghiệm đồng ruộng

 

150 nông dân chủ chốt được đào tạo qua 05 lớp tập huấn FFS

Học viên của lớp tập huấn ToT cũng có cơ hội thực hành những nội dung được học thông qua việc trở thành giảng viên của các lớp tập huấn hiện trường cho nông dân.

5 lớp huấn luyện nông dân tại hiện trường với tổng số 150 học viên tham dự  là những nông dân tiêu biểu của 05 xã trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Thời gian tập huấn vào thứ bảy hàng tuần. Các học viên của lớp tập huấn ToT với sự hỗ trợ của các giảng viên lớp tập huấn ToT xuống hiện trường truyền đạt nội dung đã học cho bà con nông dân. Kiến thức học được giúp bà con nông dân áp dụng vào thực tiễn sản xuất lúa của gia đình và tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con nông dân tại địa phương cùng áp dụng.

Phát biểu tại lễ bế giảng lớp tập huấn, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh: Ngành nông nghiệp có vai trò lớn trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và trên thế giới. Là một quốc gia sản xuất và xuất khẩu lớn về nông sản, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam đang đòi hỏi yêu cầu không chỉ ngày càng cao về chất lượng, an toàn thực phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu mà còn yêu cầu cả về yếu tố môi trường, xã hội hài hòa, bền vững.

IPM là công cụ tuyệt vời giúp chúng ta kiểm soát được chất lượng, đảm bảo năng suất, giảm chi phí sản xuất, tăng giá trị, bền vững với môi trường sinh thái. Thời gian tới chúng ta sẽ thay đổi cách tiếp cận trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao nhận thức cho toàn xã hội, cho tất cả các tác nhân trong chuỗi sản xuất từ người sản xuất đến người tiêu dùng, người cung cấp vật tư, người phân phối nông sản đều phải nhận thức về vấn đề này.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trao chứng chỉ cho học viên tham dự tập huấn

 

Thứ trưởng cho biết thời gian tới, Bộ sẽ tập trung nguồn lực để triển khai sâu, rộng chương trình IPM trên cả nước. Ngoài nguồn lực của nhà nước, Thứ trưởng cũng yêu cầu cần phải thực hiện xã hội hóa, tăng cường hợp tác công tư (PPP), các doanh nghiệp cung cấp vật tư đầu vào, các doanh nghiệp thu mua nông sản, xuất khẩu cũng cần phải tham gia và có trách nhiệm cùng người dân.

Đối với tài liệu tập huấn cần cải tiến, cập nhật lại chương trình IPM đã phê duyệt, hệ thống lại kiến thức, giảm bớt lý luận; Lấy Hiệp định thương mại các nước đối chiếu và bổ sung các yêu cầu về nông sản cho các thị trường; Chuẩn hóa lại phương pháp tập huấn cơ bản cầm tay chỉ việc giúp người dân dễ nhớ, dễ làm.

Bộ giao Cục Bảo vệ Thực vật và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp tục duy trì các lớp tập huấn giảng viên nguồn về IPM, đặc biệt ưu tiên cho các tỉnh Tây Nguyên; Dành nguồn lực cho các giảng viên ToT tham gia khóa đào tạo này triển khai các lớp IPM trên địa bàn vùng đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới./.

Thanh Huyền

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia