Giảng viên và học viên trao đổi kinh nghiêm chăm sóc cây mắc ca tại thực địa

 

Cây mắc ca là loại cây có vị trí hết sức quan trọng và được xác định là cây đem lại giá trị kinh tế cao trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đặc biệt là phát triển bền vững ở đất dốc. Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó từ năm 2017 đến nay, Điện Biên đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 5 dự án trồng cây mắc ca với tổng diện tích được phê duyệt triển khai là 17.214 ha. Các dự án trồng mắc ca đã và đang triển khai thực hiện được cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành, các cấp quan tâm, ủng hộ, người dân đồng tình hưởng ứng, bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, có những tác động tích cực, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho các hộ dân, góp phần làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số; góp phần thực hiện chủ trương của trung ương, của tỉnh về thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; từng bước thay đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây mắc ca trở thành cây trồng có giá trị cao trong sản xuất nông - lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh chủ trương quy hoạch, Điện Biên đã quan tâm đến những chính sách ưu đãi về thuế, miễn giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, được Nhà nước thu hồi đất, giao cho doanh nghiệp thuê để trồng cây Mắc ca theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tỉnh đã có cơ chế chính sách liên kết phát triển với các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội mắc ca Việt Nam và hiện các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đang đầu tư, phát triển cây mắc ca tại Điện Biên theo mô hình chuỗi giá trị, từ khâu sản xuất cây giống, trồng đến bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Tại hội nghị tập huấn các học viên đã được tìm hiểu về những thông tin liên quan đến cây mắc ca như nguồn gốc xuất xứ, tiềm năng phát triển, thị trường tiêu thụ, quy trình trồng, chăm sóc, thu hái và chế biến. Các chuyên gia kỹ thuật của Tổng cục Lâm nghiệp và phát triển rừng Việt Nam cũng giới thiệu và hướng dẫn về những kỹ thuật cần lưu ý trong quá trình trồng, chăm sóc và thu hoạch mắc ca đồng thời giải đáp những thắc mắc của các học viên về nguồn cây giống, công tác bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ vốn, các chính sách của tỉnh trồng dự án mắc ca trên địa bàn. Bên cạnh đó, các học viên tham gia buổi tập huấn cũng chia sẻ những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn và cùng nhau thảo luận các vấn đề liên quan để đề xuất các giải pháp hữu hiệu nhằm phát triển cây mắc ca.

Thông qua tập huấn giúp các học viên nắm bắt được kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mắc ca. Từ đó, có thêm kiến thức, kỹ năng để tự tin phát triển kinh tế, nhân rộng mô hình trồng cây mắc ca làm giàu trên mảnh đất quê hương mình.

Toàn cảnh lớp tập huấn

 

Hoàng Khắc Tân

Trung tâm Khuyến nông – GCT, VN Điện Biên