Đại diện lãnh đạo Trung Tâm Khuyến nông Cà Mau đã đón tiếp và giới thiệu thiệu sơ lược về điều kiện tự nhiên và tình hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh Cà Mau, nổi bật là mô hình nuôi tôm – lúa (luân canh tôm sú và xen canh tôm càng xanh-lúa). Cà Mau là tỉnh thường xuyên bị xâm nhập mặn, xuất phát từ điều kiện đó tỉnh đã chủ động chuyển đổi vật nuôi cây trồng cho phù hợp với điều kiện tự nhiên và tình hình biến đổi khí hậu. Hiện tại diện tích tôm - lúa toàn tỉnh đạt hơn 35.000 ha, tập trung ở vùng Bắc Cà Mau (gồm các huyện: Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình và TP. Cà Mau). Mô hình đã  mang lại lợi ích kép, lợi nhuận khoảng 50 – 150 triệu đồng/ha/vụ.

Theo anh Quách Kha La, hộ nuôi tôm - lúa cho biết: vào tháng 1 - 2 hàng năm với độ mặn cao thì nuôi luân canh tôm sú hoặc tôm thẻ chân trắng, đến khi mùa mưa vào tháng 6 - 7 thì nuôi xen canh tôm càng xanh - lúa. Theo kinh nghiệm của nông dân Cà Mau, để xoay vòng và rút ngắn thời gian thì nên ương tôm sú hoặc thẻ trong ao chứa trước khoảng 1 tháng, đối với tôm càng xanh thì nuôi trực tiếp trong ruộng khoảng 2 tháng rồi tiến hành gieo sạ lúa trên bờ ruộng đến khi tôm nuôi đạt kích cỡ vừa phải thì tiến hành cấy lúa. Mật độ nuôi tôm thưa khoảng 2,5 con/m2 và cấy lúa 50 kg/ha. Nuôi tôm tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên là chính, còn trồng lúa rất ít bón phân và phun xịt thuốc. Thời gian nuôi tôm sú và tôm thẻ là khoảng 3 tháng/vụ, nuôi tôm càng xanh 6-7 tháng/vụ. Năng suất trung bình tôm càng xanh 300 kg/ha; năng suất lúa 5 tấn/ha. Nuôi mật độ thưa, tận dụng thức ăn tự nhiên, nhẹ công chăm sóc… vốn đầu tư thấp, lợi nhuận ổn định, đã mang lại hiệu quả cao nên thích hợp với nhiều người dân.

Kết thúc chuyến tham quan, tất cả thành viên trong đoàn đều đánh giá cao công tác tổ chức. Chuyến tham quan đã góp phần tạo điều kiện, cơ hội cho cán bộ khuyến nông và nông dân được trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất. Qua đó, thấy được lợi ích kép từ mô hình, chuyển đổi vật nuôi một cách hợp lý theo sự biến đổi của điều kiện tự nhiên, hạn chế việc sử dụng thuốc, hóa chất, tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, vốn đầu tư thấp dễ áp dụng, góp phần tăng thu nhập cải thiện kinh tế nông hộ. Ngoài ra, chuyến tham quan đã góp phần tăng cường các hoạt động giao lưu, hợp tác, liên kết, phát triển trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp giữa hai tỉnh, góp phần thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia và phát triển bền vững./.

Đức Hiệp

Trung tâm Khuyến nông Đồng Tháp