Những năm qua, tình hình BĐKH (hạn hán, bão lụt,…) xuất hiện với tần xuất ngày càng nhiều tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), gây tổn thất lớn cho con người, đất đai và cây trồng. Đồng thời, việc xâm nhập mặn của nước biển ngày càng sâu vào đất liền, gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất nông nghiệp nói chung và cây ăn quả cũng như cây lúa nói riêng tại ĐBSCL.

Để tìm ra giải pháp về kinh tế, kỹ thuật nhằm phát triển bền vững cây ăn quả và  cây lúa trước tình hình BĐKH hiện nay tại ĐBSCL, ngày 21/9/2019, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội thảo “Các giải pháp kinh tế, kỹ thuật để phát triển cây lúa và cây ăn quả thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL”. Hội thảo này là một trong những hoạt động trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm nông nghiệp – thương mại khu vực Tây Nam Bộ năm 2019 với chủ đề: “Nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững; Chung tay xuất khẩu nông sản Việt ra thế giới” diễn ra từ ngày 20 – 26/9/2019 tại Quảng trường Trung tâm tỉnh Tiền Giang (xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang).

Thành phần tham dự Hội thảo là lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện, Trường, Trung tâm có liên quan; Các nhà khoa học; Các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông và đại biểu Hội Nông dân các tỉnh vùng ĐBSCL và thành phố Hồ Chí Minh; Cùng các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm và các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao.

Chương trình Hội thảo đã thông qua báo cáo với các chủ đề: BĐKH và giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững cho sản xuất lúa và cây ăn quả vùng ĐBSCL; Thực trạng và giải pháp kinh tế - kỹ thuật phát triển cây ăn quả và thích ứng với BĐKH tại tỉnh Tiền Giang; Giải pháp ứng phó với BĐKH cho cây ăn quả vùng ĐBSCL; Gia tăng áp dụng phân hữu cơ cho lúa, giảm thiểu sử dụng phân hóa hoạc, gia tăng chất lượng và năng suất lúa nhằm thích ứng với BĐKH ở ĐBSCL,…

Ban chủ tọa Hội thảo (ảnh: Trí Tuệ)

Theo đó, các đại biểu tham gia Hội thảo đã thảo luận và đưa ra những giải pháp kinh tế, kỹ thuật cần thiết sử dụng để phát triển bền vững cây ăn quả và lúa thích ứng với biến đổi khí hậu như: Quản lý cây trồng tổng hợp theo hướng bền vững, thích ứng với BĐKH và thân thiện với môi trường bằng cách: ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới phù hợp với điều kiện từng vùng, từng địa phương và từng mùa vụ, để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng lợi nhuận trên cơ sở an toàn cho môi trường; Tăng cường các giải pháp về thông tin tuyên truyền; Giải pháp về chất lượng giống cây trồng; Ứng dụng khoa học, công nghệ; Giải pháp về tổ chức sản xuất về tiêu thụ sản phẩm; Giải pháp quy hoạch vùng cây ăn trái và lúa; Giải pháp công nghệ sau thu hoạch; Giải pháp về áp dụng cơ chế chính sách,…

Ngoài ra, Hội thảo cũng đã đưa ra nhiều kiến nghị để thực hiện tốt những giải pháp trên như: Kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo tăng cường công tác nghiên cứu cho ra nhiều sản phẩm tiến bộ, quy trình canh tác tiên tiến mới đáp ứng điều kiện hiện nay; Các tiến bộ kỹ thuật mới, kết quả nghiên cứu phải đạt chuyển giao kịp thời, hiệu quả cho các địa phương cập nhật, áp dụng; Tăng cường nghiên cứu, chọn lọc, lai tạo các giống mới, có năng suất, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu, thị trường; Có các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tìm, chọn, nhập các giống cây ăn trái tốt; Đẩy mạnh nghiên cứu, chế tạo các sản phẩm cơ giới phù hợp, phục vụ cho từng loại cây trồng, từng vùng sinh thái cụ thể nhằm nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa.

Trong xu thế hội nhập quốc tế và BĐKH hiện nay, cần phải đẩy mạnh phát triển nông nghiệp là một hướng phát triển phù hợp với Việt Nam nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng. Để phát triển nông nghiệp có lợi thế cạnh trang nhằm phát triển cây ăn trái, lúa bền vững, cần đẩy mạnh định hướng phát triển tập trung sản xuất hàng hóa lớn, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp tạo lợi thế cạnh tranh cho nông sản nhằm góp phần nâng cao doanh thu trong sản xuất nông nghiệp và thu nhập cho nông dân.

Minh Hiếu

Trung tâm Khuyến nông TP. HCM