Bà Hạ Thúy Hạnh - Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tham dự Hội nghị. Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu đã thăm Trại Dâu tằm tơ Vi Tiên tại thôn 3, xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà và thăm nhà máy chế biến tơ Ba Minh - tỉnh Lâm Đồng.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

 

Tại Hội nghị Phát triển chăn nuôi tằm bền vững, các đại biểu đã được nghe báo cáo của Cục Chăn nuôi về thực trạng và phát triển chăn nuôi tằm bền vững; báo cáo của Cục Thú y về công tác kiểm soát dịch bệnh trong chăn nuôi tằm và kiểm dịch vận chuyển tằm; báo cáo của Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản về thị trường ngành dâu tằm tơ; các báo cáo tham luận của Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương, Hiệp hội dâu tằm tơ Việt nam, Sở Nông lâm nghiệp & PTNT tỉnh Lâm Đồng, ý kiến của Hiệp hội dâu tằm tơ và các doanh nghiệp. Hội nghị lần này có ý nghĩa to lớn vì nghề trồng dâu nuôi tằm lâu nay chưa thực sự nhận được nhiều sự quan tâm.

Hiện nay cả nước có 32 tỉnh phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm với 10,5 nghìn ha dâu, trong đó vùng Tây Nguyên chiếm 73%. Năng suất dâu đạt 35 - 40 tấn/ha. Năm 2018 cả nước sản xuất đạt 8.295 tấn kén các loại, tăng 12,8% so với năm 2017. Năm 2019, sản lượng kén ước tính là 9.185 tấn, tăng 10,7% so với năm 2018. Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển trồng dâu nuôi tằm, đặc biệt một số tỉnh như Lâm Đồng, Sơn La, Yên Bái, Thái Bình. Thời gian qua, chúng ta đã chọn được những giống dâu mới (cả trồng hom và trồng hạt) cho năng suất cao, chất lượng lá dâu nuôi tằm tốt như VH15, GQ2, năng suất trung bình đạt 37,4 tấn/ha/năm. Tỉnh Lâm Đồng trồng giống dâu bằng hom S7-CB, VA201, TBL 205 cũng cho năng suất cao.

Việt Nam đã tiếp cận với những công nghệ kỹ thuật mới giúp nâng cao năng suất dâu tằm tơ trong những năm qua. Ngoài giống tằm đa hệ lai thì giống tằm lưỡng hệ kén trắng năng suất cao hơn. Các mô hình nuôi tằm con tập trung 2 giai đoạn (từ trứng đến hết tuổi 3) và nuôi tằm từ tuổi 4 đến kén ở nông hộ tương đương với 10.200 vòng trứng. Việc nuôi giống tằm phù hợp với từng vùng sinh thái, kết hợp một số tiến bộ kỹ thuật mới để giảm dịch bệnh và đạt năng suất kén trên vòng trứng tăng trên 15% so với đại trà.

Việt Nam đã tiếp cận với những công nghệ kỹ thuật mới giúp nâng cao năng suất dâu tằm tơ

 

Nghề trồng dâu nuôi tằm đã mang lại lợi nhuận cao, tuy nhiên hiện nay chúng ta vẫn chưa chủ động nguồn giống tằm, vẫn phải nhập trứng từ các nước ngoài nên khó kiểm soát dịch bệnh. Diện tích trồng dâu tuy tương đối ổn định nhưng còn manh mún, thường trồng xen canh với các cây trồng khác, trong khi đặc điểm của cây dâu lại rất mẫn cảm với thuốc bảo vệ thực vật nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất dâu, nuôi tằm. Việc hình thành các chuỗi dâu tằm tơ còn chưa nhiều. Mặt khác nguồn nhân lực đã qua đào tạo về nghề trồng dâu nuôi tằm hiện nay còn ít, thiếu lực lượng lao động trẻ để áp dụng công nghệ mới trong nuôi và chế biến tơ, cũng như in ấn, thiết kế mẫu, marketing…

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh một số giải pháp cần làm tốt để phát triển ngành dâu tằm tơ. Các cơ quan quản lý phải đưa ra giải pháp quản lý đối với giống tằm, giống dâu, đào tạo nguồn nhân lực, thị trường, xây dựng hệ thống nhân giống và phát triển giống dâu, định hướng đầu tư phát triển bền vững nghề dâu tằm tơ. Định hướng nghiên cứu chuyên sâu về giống dâu, giống tằm, để nước ta chủ động được giống tằm, nhất là giống tằm lưỡng hệ kén trắng, tằm đa hệ lai… Đồng thời xây dựng các chương trình khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới về cây dâu và kỹ thuật nuôi tằm theo chuỗi sản phẩm.  Các cơ quan hữu quan, các doanh nghiệp, Hiệp hội cùng nhau tháo gỡ những vướng mắc trong nhập khẩu chính ngạch trứng tằm giống, tăng cường đào tạo nghề và xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, EU… để nâng cao giá trị ngành dâu tằm bền vững tại Việt Nam./.

TS Hạ Thúy Hạnh

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia